Xuất phát từ mục đích, mong muốn hạn chế sức lao động mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, nhiều nông dân đã tự mày mò, nghiên cứu, chế tạo, cải tiến máy móc nông nghiệp, xử lý nước thải chăn nuôi… và đã có không ít ý tưởng được ứng dụng trong thực tế.
Cải tiến bể bioga 2 tầng theo hình khối trụ đứng của anh Bùi Văn Quê, xã Tân Lập (Lạc Sơn) không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, khí ga còn được tận dụng làm khí đốt sử dụng trong gia đình. Đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh đánh giá: "Cải tiến bể bioga 2 tầng theo hình khối trụ đứng của anh Bùi Văn Quê là giải pháp cải tiến gắn với đời sống, đã được ứng dụng trong thực tế và chứng minh hiệu quả”. Trong một lần được tham gia lớp tập huấn về khí sinh học tại xã Tân Lập (Lạc Sơn), nhận thấy bể bioga hình cầu còn một số hạn chế, anh Bùi Văn Quê, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) trăn trở tìm hướng khắc phục. Lên ý tưởng từ năm 2003 - 2004, anh Quê quyết tâm thực hiện cải tiến bể bioga 2 tầng theo hình khối trụ đứng với kích thức nhỏ, vừa làm vừa tự mày mò, đánh giá hiệu quả, tính toán các thông số sao cho phù hợp. Kết quả cải tiến bể bioga 2 tầng theo hình khối trụ đứng có những ưu điểm phù hợp với thực tế tại địa phương như: Dễ xây dựng, thời gian xây ít ngày; xây được bể có quy mô lớn từ 100 m3 trở lên… Bên cạnh đó, khí ga còn được tận dụng làm chất đốt. Bể cải tiến đã được làm thí điểm và kiểm tra tại gia đình bà Bùi Thị Chửng (xã Tân Lập). Anh Quê chia sẻ: "Sau khi ứng dụng thực tế, khắc phục được hạn chế và đạt những hiệu quả nhất định, nhiều người đã đến thăm quan, tìm hiểu về cải tiến. Tôi dự định sẽ cải tiến bể bioga 3 tầng để có thể lọc, xử lý và tái sử dụng nước thải phục vụ chăn nuôi”. Anh Đinh Công Cảnh, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) tốt nghiệp nghề điện công nghiệp tại trường Cao đẳng Cơ điện Tây Bắc, từng đi làm tại các công trình xây dựng tại Hà Nội, năm 2017, anh trở về quê hương bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình sáng tạo đồ chơi công nghệ. Những sản phẩm đồ chơi do anh làm ra ưu tiên phát triển theo hướng sử dụng động cơ điện, được khách hàng tại thị trường nước ngoài ưa chuộng như: Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Mỹ, Canada, Úc… Với những lợi thế đó, anh Cảnh đã tiếp cận với một lĩnh vực mới là nghiên cứu, sản xuất hệ thống tưới tự động phục vụ sản xuất trong nông nghiệp. Lên ý tưởng từ cuối năm 2020, bắt tay vào thực hiện từ tháng 7/2021, sau hơn 1 tháng, anh Cảnh đã hoàn thành hệ thống tưới tự động. Từ những bản thiết kế có sẵn, anh tìm mua vật liệu, thiết bị, vừa lắp ráp, vừa nghiên cứu, thử nghiệm, tự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu. Hệ thống gồm: Bộ điều khiển, máy bơm, van từ, đường ống… và dùng song song bộ điều khiển từ xa, điều khiển bằng cơ. Đến nay, hệ thống tưới tự động đã được đưa vào sử dụng tại gia đình, chi phí làm ra sản phẩm khoảng gần 30 triệu đồng. Với hệ thống này, việc tưới nước cho cây trồng được thực hiện tự động, tiết kiệm thời gian, sức lao động, lượng nước… Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục nghiên cứu cải tiến, nâng cấp hệ thống với việc điều khiển bằng wifi. Anh Cảnh chia sẻ: "Từ đam mê chế tạo đồ chơi công nghệ, tôi mong muốn được thử sức mình với việc chế tạo, sản xuất ra nhiều máy móc phục vụ cuộc sống, lao động, sản xuất, giải trí… Với khoảng sân vườn 1.000 m2 trồng hoa, cây cảnh đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tôi không còn phải mất công tưới nước mà chỉ cần bật bảng điều khiển là nước được tưới đến từng gốc cây”. Dù đang được ứng dụng rộng rãi hay chỉ trong phạm vi gia đình thì những ý tưởng, giải pháp, cải tiến đều đã có những đóng góp tích cực, giúp cuộc sống trở nên tiện nghi, phát triển hơn. Đồng thời cũng khẳng định khả năng tư duy, sáng tạo, nghiên cứu khoa học của những người nông dân. Linh Nhật