Sau những trận lũ, đợt mưa lớn kéo dài, nhiều người dân Hà Tĩnh lại ra những bãi cát bồi, vùng đất trống để đào dế. Mỗi người chuẩn bị dụng cụ như xô, chậu, rổ và cuốc để đi săn.
Cũng như những người dân khác trong làng, tận dụng lúc rảnh rỗi, thời gian này bà Phan Thị Hiên (thôn Nam Phong, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) lại chuẩn bị dụng cụ rồi đạp xe ra các khu bãi cát trống để đào dế.
Bà Hiên cho biết, để bắt dế phải đi vào buổi sáng vì dễ đào và lúc này dế đang trong hang chưa đi kiếm ăn ở ngoài.
Chỉ trong vài giờ đồng hồ bà Hiên đã bắt được hơn 200 con dế.
Mùa dế bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 9 âm lịch. Đây là thời điểm dế phát triển hoàn thiện, thịt chắc và béo.
Người dân sử dụng những chiếc cuốc để đào dế. Khi thấy hang, chỉ cần đào sâu từ 20-40cm là đã bắt được dế.
Để tìm được hang dế ở, người dân phải đi các cánh đồng trống hoặc bãi cát bồi nơi dế thường hay làm hang trú ẩn. Mỗi bước chân đều phải đảo mắt nhìn kỹ xuống đất để tìm hang.
Hang dế đóng ở những bãi đất pha cát, chỉ cần thấy có một ít đất mới bồi lên hoặc đất vón cục phía ngoài thì đây chính là nơi ở của dế. Vì đặc điểm dễ nhận biết ngày người già hay trẻ nhỏ đều có thể phát hiện được.
Sau khi dùng cuốc đào đất, thấy một lỗ nhỏ chỉ cần lấy tay đưa vào hang sẽ bắt được dế.
Đa phần một hang chỉ có một con dế nhưng có những hang có tới 2 con ở bên trong.
"Dế có nhiều chất bổ dinh dưỡng, ăn ngon nên thời điểm này vào mùa dân đổ xô đi bắt nhiều. Bắt dế thì không khó nhưng di chuyển nhiều, đảo mắt tìm hang nữa nên cũng rất mệt. Mỗi buổi sáng tôi bắt được trên 300 con, ai mua được giá tôi vẫn bán", bà Nguyễn Thị Hồ (trú xã Thịnh Lộc) cho hay.
Dế mùa lũ đang là món ăn đặc sản, giá cũng khá đắt (2.000 – 3.000 đồng/con) giúp nhiều “thợ săn” thu hàng trăm ngàn đến tiền triệu mỗi ngày.
Sau khi bắt xong những con dế sẽ được cắt bỏ cánh, chỉ giữ lại phần thân, chân.
Người dân bắt dế chỉ đi vào buổi sáng, đến tầm trưa người dân sẽ về nhà.
Theo Hoài Nam/Tiền phong