Nông dân thấp thỏm với mùa trái cây Tết

Năm nay, các nhà vườn sản xuất trái cây vụ Tết Nguyên đán gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa nắng thất thường, mùa khô bị hạn, nắng nóng, mùa mưa lại có nhiều đợt mưa lớn kéo dài.

Ông Thang Văn Tú (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) chăm sóc vườn bưởi da xanh với kỳ vọng bán được giá tốt vào dịp Tết. Ảnh:P.Tùng

Ông Thang Văn Tú (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) chăm sóc vườn bưởi da xanh với kỳ vọng bán được giá tốt vào dịp Tết. Ảnh:P.Tùng

Đặc biệt, đối với một số cây ăn trái tiêu thụ mạnh vào dịp Tết như: bưởi, xoài, mãng cầu…, dịch bệnh xuất hiện nhiều, nông dân phải tốn chi phí để chăm sóc cây nhưng năng suất có thể sẽ đạt thấp, thậm chí lỡ mất thu hoạch vụ Tết.

Dịch bệnh xuất hiện nhiều trên cây trồng vụ Tết

Vài năm trở lại đây, giá bưởi thường ở mức thấp, cây trồng này không còn thuộc tốp đầu về lợi nhuận như trước. Lợi nhuận kém khiến nhiều nhà vườn không còn tập trung chăm sóc vườn cây, gây ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, dịch bệnh trên cây bưởi cũng xuất hiện nhiều hơn, gây thiệt hại lớn cho người trồng.

Gia đình trồng được hơn 2 hécta bưởi, ông Thang Văn Tú (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) cho hay, từ đầu năm đến nay, dịch rệp vảy đỏ hoành hành trên cây bưởi. Dịch hại này có thể làm giảm đến 80% năng suất cây trồng, có nhà vườn cây chết hàng loạt. Khoảng 3-4 năm nay, giá bưởi thấp nên diện tích bưởi trong vùng này cũng giảm mạnh. Vụ bưởi Tết năm nay rất khó làm, tốn nhiều chi phí chăm sóc, hồi phục cây nhưng năng suất vẫn giảm. Nhà vườn lo nhất vẫn là trái sẽ không đạt bằng mọi năm, trong khi bưởi đẹp dùng để chưng hoặc làm quà biếu có giá cao hơn nhiều so với bưởi ăn.

Hiện toàn tỉnh có gần 10,3 ngàn hécta bưởi; gần 11,6 ngàn hécta xoài... Đây vẫn là nhóm cây trồng chủ lực có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh. Nhờ diện tích lớn, dự báo nguồn cung trái cây cho thị trường Tết của tỉnh sẽ không thiếu.

Cùng nỗi lo, ông Ngô Văn Sơn (nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, thời gian gần đây, trên cây bưởi xuất hiện dịch hại mới là rệp vảy đỏ. Loài rệp này lây lan nhanh giữa các vườn cây, gây hại lớn cho cây trồng và rất khó phòng trị. Loài rệp này chuyên chọn những đọt bưởi tốt mà ăn từ trên đọt xuống nên nhà vườn chậm phát hiện; khi phát hiện thì nó đã gây hại khá lớn trên cây bưởi. Thời gian vừa qua, ông Sơn phải thuê nhân công trèo lên cây bưởi kiểm tra từng ngọn cây, cắt những nhánh cây bị rệp nhiều, tốn chi phí cả trăm triệu đồng. Nếu không xử lý kịp thời, con rệp này có thể ăn khô cây, khiến cây chết.

Loài rệp vảy đỏ khi bám trên trái cũng làm trái bị đỏ và rụng; không chỉ gây thiệt hại lớn về năng suất mà những trái giữ được, tỷ lệ trái đẹp làm bưởi chưng cũng giảm rất nhiều. Các vườn bưởi bị rệp buộc phải tỉa bỏ rất nhiều trái bưởi non. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh khác tấn công, thời tiết thất thường cũng làm tỷ lệ vỏ trái bị cám tăng cao. Tình hình này, nhà vườn sẽ thất thu vì sản lượng trái đẹp làm bưởi chưng, bưởi biếu giảm mạnh.

Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó xử lý, gây hại cho cây trồng cũng đang làm nhiều nông dân trồng thanh long lo lắng. Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết từ đầu mùa mưa đến nay, thanh long xuất hiện nhiều loại bệnh như: thối gốc, thối cành, đốm trắng..., gây tốn kém chi phí chăm sóc. Đặc biệt, bệnh nấm tắc kè hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, dễ bị lây lan, gây hại lớn trên cây thanh long. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến mẫu mã trái nên tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu rất ít. Trong khi thanh long đạt chuẩn xuất khẩu giá sẽ cao gấp nhiều lần so với tiêu thụ trong nước.

Lo mất vụ trái cây dịp Tết

Với nhiều cây trồng nhạy cảm với thời tiết như xoài, mãng cầu, vụ sản xuất Tết năm nay bị ảnh hưởng rất lớn.

Xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) có vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc. Nông dân tại địa phương này chủ yếu tập trung làm xoài nghịch vụ để bán dịp Tết, giá cao gấp 2-3 lần ngày thường. Nhưng năm nay, nông dân trồng xoài tại địa phương gần như mất vụ xoài Tết.

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường (tại xã Xuân Trường) Nguyễn Dũng cho hay, vùng chuyên canh trồng đặc sản xoài cát Hòa Lộc tại địa phương có diện tích hàng chục hécta. Nông dân trồng xoài đều tập trung làm xoài nghịch vụ để bán ra thị trường làm hàng chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết với giá cao. Năm nay, do mưa lớn kéo dài vào thời điểm xoài làm bông nên hầu hết các nhà vườn đều lỡ vụ Tết. Trong khi đó, nhà vườn tốn không ít chi phí đầu tư phân, thuốc để xử lý cho xoài ra bông nghịch vụ.

Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán, một số nhà vườn thường đầu tư làm trái cây độc lạ như: bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng... sẽ bán được với giá cao, thu lợi nhuận tốt. Nhưng vụ Tết năm nay, nông dân không còn mặn mà làm dòng sản phẩm này. Nhiều nhà vườn không làm, nếu có làm cũng chỉ làm số lượng nhỏ vì Tết Nguyên đán 2024, những sản phẩm này không còn được ưa chuộng như trước. Trái cây tạo hình có giá cả triệu đồng/sản phẩm, cao hơn nhiều so với dòng trái cây thường nên rất kén khách. Dự báo Tết Nguyên đán 2025, tình hình kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn nên nhà vườn cũng e dè đầu tư.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/nong-dan-thap-thom-voi-mua-trai-cay-tet-dad519b/