Nông dân 'thủ phủ' dứa như 'ngồi trên đống lửa'
Hằng năm, vào những ngày đầu xuân, người dân 'thủ phủ' dứa Bản Lầu (huyện Mường Khương) lại lên nương trồng dứa vụ mới. Thế nhưng năm nay, nhiều diện tích trước đây vốn trồng dứa đang dần được thay thế bằng những cây trồng khác vì đây đã là vụ dứa thứ 3 người dân chịu lỗ. Trên những nương dứa đang độ thu hoạch, người dân như 'ngồi trên đống lửa' vì giá bán thấp thê thảm.
Từ tháng 10, thủ phủ dứa Mường Khương bắt đầu vào vụ thu hoạch. Hai vụ trước, giá bán thấp nên người dân mong đợi vụ dứa này giá lên cao để “vớt vát” lại. Nhưng trái với mong đợi, giá dứa vụ này chẳng khá hơn là bao. Cùng với đó, giá vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng. “Quá tam ba bận”, đây đã là vụ thứ 3 nhiều hộ dân than lỗ.
Bản Lầu lại được coi là “thủ phủ” dứa của huyện Mường Khương vì đây là địa phương có diện tích trồng dứa hàng hóa lớn nhất huyện. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 1.350 ha dứa, trong đó 950 ha trong giai đoạn cho thu hoạch. Từ tháng 2 dứa bắt đầu vào chính vụ, người dân đã thu hoạch được hơn 4.000 tấn. Thời điểm này, giá dứa tại Mường Khương được thương lái và doanh nghiệp thu mua với mức 3.700 - 4.000 đồng/kg quả tươi. Trong khi đó, người dân bỏ ra trung bình 5.000 đồng chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào để sản xuất được 1 kg dứa. Như vậy, với mức giá dưới 5.000 đồng/kg, người dân sẽ bị lỗ.
Dứa từng là cây trồng giúp người dân xã Bản Lầu làm giàu. Nhiều hộ dân thôn Na Lốc, Cốc Phương, Na Mạ… có tiền xây nhà, mua xe cũng nhờ trồng dứa.
Bà Lục Thị Phương, Trưởng thôn Na Mạ 1 chia sẻ: "Nếu giá dứa giữ ở mức cao và ổn định như đầu năm 2021 thì mỗi năm trong thôn có thêm vài hộ dân xây nhà mới. Tuy nhiên, bắt đầu từ vụ dứa cuối năm 2021, giá dứa rất thấp, ở những nương dứa năng suất không cao người dân bắt đầu chịu lỗ, nương dứa nào được chăm sóc tốt và năng suất cao hơn thì may ra hòa vốn. Khoảng 1 tuần nữa, diện tích dứa của gia đình tôi sẽ cho thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 10 tấn. Giá dứa thấp như hiện nay khiến tôi lo lắng vô cùng”.
Tương tự, trên nương dứa của gia đình ông Phạm Đăng Phấn (thôn Na Mạ 1), những trái dứa đã “mở to mắt”, bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch. Thế nhưng, cả nương dứa này chỉ được thương lái “báo giá” mua là 15 triệu đồng trong khi khoảng 3 năm trước ông bán với giá 28 triệu đồng. Giá bán ra thấp trong khi giá mua phân bón cao khiến ông Phấn thở dài, than lỗ nặng.
Theo thống kê của xã Bản Lầu, tổng sản lượng dứa của xã vụ này khoảng 23 nghìn tấn. Đối với Bản Lầu, dứa là một trong những cây hàng hóa chủ lực theo Nghị quyết 10 về phát triển nông nghiệp hàng hóa, được xác định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới. Năm 2023, xã có kế hoạch duy trì và trồng mới để diện tích dứa đạt 1.490 ha. Dẫu vậy, không những khó đạt được theo kế hoạch mà diện tích dứa còn đứng trước nguy cơ giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 1.000 ha trong năm nay bởi người dân không mặn mà.
Theo ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, giá dứa bắt đầu giảm thấp từ cuối năm 2021, nhiều hộ dân bị lỗ nhưng vẫn kiên trì, đặt hy vọng vào cây trồng này. Tuy nhiên, đây đã là vụ thứ 3 giá bán dứa đạt thấp, nhiều hộ dân đã bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng dứa sang trồng chè, trồng rừng.
Dứa tại huyện Mường Khương nói chung và xã Bản Lầu nói riêng đang được các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua. Hầu hết các đầu mối thu mua với mức giá 3.700 đồng/kg. Có những đầu mối do chưa được doanh nghiệp “chốt đơn” đặt hàng nên đang tạm dừng việc thu mua dứa.
Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương (Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu) là một trong những đầu mối tiêu thụ dứa lớn trên địa bàn huyện. Mỗi ngày nhà máy đang thu mua và sản xuất khoảng 35 - 40 tấn dứa cho người dân toàn tỉnh. Giá thu mua dứa tại nhà máy hiện được điều chỉnh theo ngày, trung bình 4.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng Phú Cường, Quản lý các hoạt động của Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương, giá dứa hiện nay đạt thấp do chịu ảnh hưởng chung của giá dứa trong khu vực Đông Nam Á. Giá dứa hiện được điều chỉnh bởi Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân khiến giá dứa xuống thấp là giá dứa tại Thái Lan - đất nước chiếm thị phần dứa xuất khẩu lớn nhất trong khu vực đang rất thấp kéo theo giá dứa tại các thị trường dứa trong khu vực giảm theo để cạnh tranh.
Dứa Mường Khương đang vào chính vụ thu hoạch. Hiện nay còn khoảng 60% tổng sản lượng dứa đang nằm trên nương, người dân thì thấp thỏm lo âu như “ngồi trên đống lửa” vì giá bán có xu hướng giảm tiếp. Đã là vụ thứ 3 báo lỗ, cây trồng từng nuôi bao hy vọng làm giàu giờ rơi vào tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Người dân vùng dứa đang có tâm lý giảm dần diện tích, trồng giữ giống, chờ đợi kinh tế dần phục hồi, cây dứa lấy lại vị thế hoàng kim như trước đây.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364403-nong-dan-thu-phu-dua-nhu-ngoi-tren-dong-lua