Nông dân Tuy Ðức được tiếp sức

Thông qua vay vốn từ nhiều kênh của Hội Nông dân (HND) huyện Tuy Đức, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Để chuẩn bị chăm sóc cho 2,5 ha cà phê, mắc ca vào mùa khô, anh Bùi Minh Hải, ở bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực, đã mua 1 máy nổ công suất lớn, quạt bơm và 200 m dây tưới nước.

Theo anh Hải, trước đây, gia đình anh từ Thanh Hóa vào Đắk Nông làm thuê kiếm sống. Thấy vùng đất và khí hậu thuận lợi, cả gia đình anh quyết định ở lại bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực để lập nghiệp.

Sau nhiều năm bươn chải, tích cóp, gia đình anh Hải mua được 2,5 ha đất. Anh tập trung phát triển 2 ha mắc ca và 0,5 ha cà phê. Cái khó của anh là không có kinh phí để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Vì vậy, hầu như năm nào anh cũng phải đi thuê máy bơm để tưới nước cho vườn cây. Điều này vừa bị động, vừa tốn kém. Thời điểm tưới nước thường không kịp chu kỳ sinh trưởng của cây, khiến năng suất đạt thấp, hiệu quả đầu tư không như mong muốn.

Trước khó khăn trên, HND huyện Tuy Đức đã hỗ trợ gia đình anh vay 40 triệu đồng để mua sắm máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất.

"Nguồn vốn vay đã giúp tôi có kinh phí cải tạo những cây mắc ca kém hiệu quả, tập trung đầu tư phân bón, nước nôi tốt hơn cho vườn cây để tăng hiệu quả sản xuất", anh Hải chia sẻ.

 Từ nguồn vốn hỗ trợ đã giúp anh Hải đầu tư mua máy bơm phục vụ sản xuất

Từ nguồn vốn hỗ trợ đã giúp anh Hải đầu tư mua máy bơm phục vụ sản xuất

Tương tự, gia đình anh Trần Đức Ngọc, ở bon Mê Ra, xã Quảng Trực, được HND huyện Tuy Đức hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê. Trước đó, gia đình anh Ngọc thuộc diện ít đất sản xuất, nguồn thu nhập chỉ từ 500 cây cà phê, 3 sào đất trồng hoa màu.

Sau khi nắm bắt nguyện vọng của gia đình anh Ngọc, HND đã hỗ trợ vốn để anh mua 5 con dê giống về chăn nuôi, phát triển thêm nguồn thu nhập. Cùng với đó, HND còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ anh cách chăn nuôi dê hiệu quả.

Anh Ngọc cho biết, dê là loại vật dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào. Phân dê được tận dụng để bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất. Do đó, chăn nuôi dê là mô hình kinh tế rất phù hợp với gia đình anh.

"Hiện nay, đàn dê của gia đình tôi đã tăng thêm 3 con. Nguồn hỗ trợ từ HND đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập, từng buớc ổn định cuộc sống", anh Ngọc chia sẻ.

Đến nay, HND huyện Tuy Đức đang quản lý 111 tỷ đồng, với hơn 2.400 hộ vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đơn vị còn nhận ủy thác quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, với số tiền 5,7 tỷ đồng.

Số tiền này, đơn vị đã triển khai cho 166 hộ vay để thực hiện 18 dự án trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, đơn vị cũng quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 1,6 tỷ đồng; nguồn vốn tỉnh 1,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương ủy thác 2,3 tỷ đồng; nguồn vận động 111 triệu đồng…

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch HND huyện Tuy Đức, nguồn vốn từ các kênh của HND đã hỗ trợ được nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất. Để giúp bà con phát huy tốt nguồn vốn vay, những năm qua, HND huyện Tuy Đức đã phối hợp mở 168 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho 6.000 lượt nông dân.

Các tổ cấp HND trên địa bàn đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân. "Hầu hết bà con nông dân đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả", ông Anh cho biết.

Đức Hùng

1,629

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/nong-dan-tuy-%C3%B0uc-duoc-tiep-suc-90912.html