Nông dân và gánh nặng giá phân bón

Sản xuất nông nghiệp ngày nay đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, sử dụng máy móc để thay thế sức người. Tuy nhiên, nghề nông vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, đất đai, nước tưới, giống, sâu bệnh, phân bón… để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, phân bón là một trong những yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định đến năng suất, chi phí đầu tư.

Phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng. Sử dụng phân bón hợp lý, đúng thời điểm sẽ thúc đẩy các quá trình sinh trưởng và phát triển như: đẻ nhánh khỏe mạnh, cành lá xanh mướt, thúc đẩy cây ra hoa nhiều và đồng loạt, tỷ lệ đậu quả cao. Phân bón nuôi rễ phát triển, ăn sâu vào đất, tán rễ rộng giúp hạn chế đổ ngã. Tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của cây trồng.

Bên cạnh cung cấp các dưỡng chất cho cây phát triển, phân bón còn tác động đến toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp. Phân bón thúc đẩy các quá trình như phân hủy, chuyển hóa các chất… tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, phân giải các chất khó hấp thu thành các chất dễ hấp thu, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh.

Trong suốt vụ mùa của cây, nếu thiếu hụt phân bón trong bất kỳ giai đoàn nào, cây trồng sẽ không phát triển hay phát triển chậm. Điển hình của thiếu phân bón là cây còi cọc, khả năng đẻ nhánh thấp, cành lá ra ít, lá nhỏ, lá vàng, không ra hoa hoặc ra hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, bộ rễ kém phát triển, dễ bị sâu bệnh tấn công, khả năng chống chịu kém đối với các yếu tố bất lợi.

Cây trồng muốn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh để cho ra một vụ mùa năng suất cao, người nông dân cần sử dụng phân bón đầy đủ, phù hợp cho từng giai đoạn, như vậy phân bón mới phát huy hết tác dụng.

Do phân bón là yếu tố quan trọng nhất đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng, nên trong tổng chi phí cho vụ mùa, phân bón chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây cũng là nỗi lo của người nông dân, khi giá phân bón liên tục tăng cao trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, còn giá thành phẩm sau thu hoạch lại phụ thuộc thị trường.

Chia sẻ về mức đầu tư chi phí cho mùa vụ vừa qua, bà Võ Lâm Quế (54 tuổi), hộ trồng sầu riêng ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, để vườn sầu riêng có diện tích khoảng 1.500m2 ra trái đều, sai quả, ít sâu bệnh…, chi phí ban đầu cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 40 triệu đồng, chưa kể đến chi phí nước tưới, công chăm sóc và thu hoạch.

 Bà con nông dân mua phân bón NPK Phú Mỹ

Bà con nông dân mua phân bón NPK Phú Mỹ

Trong một chu kỳ để thu hoạch sầu riêng, người nông dân sẽ sử dụng nhiều đợt phân bón, chủ yếu là phân NPK cho giai đoạn nuôi lá, ra hoa, nuôi trái… sau khi thu hoạch. Đây là thời điểm quan trọng để cho cây hồi phục, giai đoạn này chi phí cho phân bón khá lớn. Bà Quế cho biết phân bón cho cây sầu riêng phần lớn là NPK nhập khẩu. Theo cảm nhận thực tế của bà, phân bón nhập khẩu nhanh tan, giúp cây hấp thụ nhanh, cây cho năng suất hơn và có giá thành thấp hơn phân bón trong nước nên bà con ở đây thường chọn phân bón nhập khẩu.

Bà Quế cũng cho hay, một khó khăn cho người nông dân là giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu tư ngày càng lớn, trong khi giá bán sau thu hoạch phải phụ thuộc vào thị trường. Ngoài việc chăm sóc cây trái tốt tươi, cho nhiều quả, người nông dân không chủ động được khâu nào khác, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, nên thường xuyên diễn ra tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Sầu riêng là nông sản có giá trị cao, mang lại lợi nhuận hấp dẫn, nhưng nông dân vẫn canh cánh lo chuyện giá phân bón. Còn cây lúa nước thì sao? Dù là nguồn lương thực chính, nhưng chi phí đầu vào quá lớn, giá bán lại không tương xứng với công sức bỏ ra, nên đã xảy ra nhiều trường hợp nông dân bỏ ruộng để chuyển đổi mô hình canh tác.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa, gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia, khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 70% lượng trái cây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân. Nông dân hầu như không còn ham làm lúa. Nhiều người trồng lúa đều muốn bỏ ruộng vì sản xuất lúa không lời, thậm chí phải gánh lỗ.

Trong tâm trạng muốn bỏ ruộng để chuyển đổi canh tác sang cây trồng khác, ông Nguyễn Văn Thành, 58 tuổi, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, cả đời ông gắn bó với cây lúa, nhưng nay cũng khó khăn với chính cây lúa của mình. Giá phân bón liên tục tăng, khiến chi phí đầu vào lớn dần lên, nhưng khi thu hoạch, lợi nhuận nhận về lại không xứng đáng với công sức bỏ ra. Xung quanh đây bà con đã chuyển mô hình canh tác sang cây ăn trái, hoa màu khác. Còn ông, vì tiếc cánh đồng lúa quen thuộc nên vẫn bám trụ với cây lúa.

Thực tế, chi phí phân bón chiếm khá lớn trong tổng chi phí đầu vào của một vụ thu hoạch. Người nông dân có thể chấp nhận bỏ công làm lời, hưởng thành quả sau những nỗ lực của bản thân và gia đình. Nhưng phân bón là nguồn dinh dưỡng chính không thể thiếu đối với bất kỳ loại cây trái, hoa màu nào, nên việc giá phân bón liên tục tăng giá và neo ở mức cao khiến người nông dân gặp khó. Cần lắm một chính sách để giá phân bón hạ nhiệt, bảo đảm cân đối chi phí và giá bán, để người nông dân gắn bó với ruộng vườn, với đồng lúa quen thuộc và làm giàu từ chính quê hương của mình.

Một khó khăn cho người nông dân là giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu tư ngày càng lớn, trong khi giá bán sau thu hoạch phải phụ thuộc vào thị trường.

Nguyễn Hiển

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nong-dan-va-ganh-nang-gia-phan-bon-719315.html