Ngày 29/7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, đã phát đi thông báo có 17 trận động đất xảy ra trong buổi sáng tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Một khu dân cư từng ở vùng tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: VOV.
Như vậy, chỉ trong hai ngày đã có 39 trận động đất xảy ra tại khu vực này. Trước đó, vào trưa 28/7, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra ở Kon Tum đã gây rung lắc mạnh cho nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Vị trí chấn tâm trận động đất thứ 22 (tin phát ngày 29/7). Nguồn: Viện Vật lý địa cầu.
Trước đó, ngày 28/7, tại huyện Kon Plông đã ghi nhận 21 trận động đất từ 2,5 đến 5,0 độ. Trong đó, vào 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) trưa 28/7, một trận động đất mạnh 5.0 độ đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là trận mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung. Ảnh: Vị trí trận động đất thứ 19. Nguồn: Viện Vật lý địa cầu.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3.9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó có những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Ảnh: Vietnam+
Động đất gây ra một số thiệt hại ở khu vực tâm chấn xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Tiền Phong.
Theo thông tin từ Chi Cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Kon Tum, động đất đã gây rung lắc tại tâm chấn và khu vực lân cận, làm rơi hư hỏng một ti vi và nứt tường một số trường học, cơ sở y tế. Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi các trận động đất. Ảnh: Tiền Phong.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết, những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là trận động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện và sẽ còn tiếp tục diễn ra. Ảnh: Báo Gia Lai.
Ngày 29/7, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Kon Tum cho biết, đoàn sẽ khảo sát, kiểm tra, nắm số liệu mực nước hồ chứa thủy điện vào thời điểm xảy ra động đất, làm cơ sở đối chiếu với các năm trước, nhằm mục đích xác định động đất có phải do ảnh hưởng của hồ chứa thủy điện hay không. Ảnh: Lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Nguồn: SGGP.
Ông A Lang, Bí thư chi bộ thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, vùng tâm chấn) cho biết, khi trận động đất có độ lớn 5 độ richter xảy ra, bản thân ông đang trồng cây. Lúc này, ông nghe trong lòng đất có tiếng nổ, sau đó cây rừng rung lắc, người ngã nghiêng. Lo sợ, ông bỏ dở công việc đang làm để về nhà. Ảnh: Trạm bảo vệ rừng xây dựng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (nơi tâm chấn) bị nứt sau trận động đất ngày 28/7. Nguồn: SGGP.
Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra, TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, các địa phương tại khu vực Kon Tum đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà dân, trụ sở làm việc, trường học. Ảnh: Các vết nứt tại điểm trường THCS ở xã Đăk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nguồn: Chính phủ.
Cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến chính quyền và người dân, tiếp tục tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân. Ảnh: VGP/NA
Mời quý độc giả xem thêm video: Chỉ trong 2 ngày, đã có 35 trận động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Mai Loan