Nông, lâm sản xuất khẩu sang EU bị 'soi' chặt hơn
Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU liên quan đến phá rừng, suy thoái rừng .
Nguồn tin từ Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương), Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng .
Thỏa thuận này mở đường cho việc Hội đồng các quốc gia thành viên EU thông qua Quy định dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Quy định sẽ áp dụng với các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc như thịt bò và da, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su, gỗ cũng như các sản phẩm có chứa chúng như sô cô la và đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ (danh mục theo HS được quy định tại phụ lục I).
Trong vòng hai năm, EU sẽ đánh giá khả năng bổ sung ngô và dầu diesel sinh học vào phạm vi điều chỉnh của Quy định.
Quy định bắt buộc các nhà khai thác phải tuyên bố thẩm định giải thích rằng sản phẩm của họ đã được sản xuất trên vùng đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Tuyên bố này phải làm rõ rằng các sản phẩm tuân thủ tất cả luật pháp có liên quan tại quốc gia sản xuất và quyền của người dân bản địa đã được tôn trọng. Mẫu giải trình được quy định tại Phụ lục II của Quy định.
Các thông tin liên quan đến giải trình như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ …. Dữ liệu này sau đó có thể được kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên EU.
Các doanh nghiệp lớn thì sẽ phải thực hiện nghĩa vụ giải trình tuân thủ nghiêm ngặt hơn theo quy đinh. Các nhà xuất khẩu, thương nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ được yêu cầu thu thập hồ sơ của các nhà cung cấp và khách hàng của họ, giữ thông tin đó trong ít nhất 5 năm và cung cấp thông tin đó cho các cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu và không bắt buộc phải đáp ứng các nghĩa vụ
Mức phạt tối đa đối với một công ty vi phạm luật được ấn định ít nhất là 4% tổng doanh thu hàng năm của công ty tại EU.
Sau khi quy định có hiệu lực, các nhà khai thác và thương nhân sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới, với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hưởng lợi từ thời gian thích ứng dài hơn.
Trong vòng 18 tháng kể từ khi luật có hiệu lực, EU sẽ phân loại các quốc gia và khu vực thành rủi ro thấp, tiêu chuẩn hoặc rủi ro cao.
Việc phân loại này sẽ xác định số lần kiểm tra mà các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên sẽ phải thực hiện, cụ thể là 9% đối với các quốc gia có rủi ro cao, 3% đối với rủi ro tiêu chuẩn và 1% đối với rủi ro thấp.
Do đó, các công ty xuất khẩu nhóm 7 mặt hàng và các sản phẩm liên quan cần đánh giá chuỗi cung ứng liên quan để đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng (Deforestation-free).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nong-lam-san-xuat-khau-sang-eu-bi-soi-chat-hon-d188384.html