Nóng Nga-Ukraine chiều 3-6: Nghị sĩ Nga đòi tấn công căn cứ Mỹ ở châu Âu, Anh nói Nga sẽ giành được Luhansk trong 2 tuần
Thượng nghị sĩ Nga đề xuất tấn công tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở châu Âu; Ukraine nêu thiệt hại sau nhiều tháng chiến sự; Nghị sĩ Venezuela nói trừng phạt Nga chỉ làm Mỹ mất vị thế 'bá quyền'.
Thượng nghị sĩ Nga đề xuất tấn công tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở châu Âu
Theo tờ News Week, Thượng nghị sĩ Nga - ông Frant Klintsevich hôm 2-6 đã đề xuất rằng Moscow nên phá hủy các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu để đáp trả quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc gửi hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) đến Ukraine.
Theo ông Klintsevich, việc Ukraine tuyên bố hệ thống tên lửa này sẽ chỉ được sử dụng để phòng vệ là “hoàn toàn vô lý". Ông cho rằng “đã đến lúc Moscow nên phá hủy các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu bằng hệ thống vũ khí tầm xa chính xác cao” để cảnh cáo, nhấn mạnh rằng "không thể đàm phán với Mỹ và Ukraine trong những điều kiện này".
“Đó là ý kiến của cá nhân tôi. Nga cần làm như vậy nếu không ai lắng nghe chúng ta và nếu người dân Nga đang bị đe dọa ngay trong lãnh thổ của họ” - ông nói.
“Nga đang nói chuyện với vị thế khoan dung và đưa ra các tín hiệu cảnh báo phương Tây không được vượt qua lằn ranh đỏ. Nhưng thật không may, họ coi sự khoan dung và chính trực của chúng tôi là điểm yếu" - ông nói thêm.
Ông Klintsevich nói rằng Liên Xô đã từng bắn rơi máy bay Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 1950, dù hai bên không khi đó không có chiến tranh.
Mỹ có một số lượng đáng kể các căn cứ ở châu Âu, trong đó có đến 119 căn cứ chỉ riêng ở Đức tính đến năm 2021. Căn cứ rộng nhất ở Đức là căn cứ không quân Ramstein với diện tích 12 km2.
Theo News Week, nhiều nước Mỹ đặt căn cứ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, nếu Nga thật sự tấn công các căn cứ này, thì điều đó có thể kích hoạt điều khoản phòng vệ tập thể của khối.
Ukraine nêu thiệt hại sau nhiều tháng chiến sự
Hãng Al Mayadeen đưa tin nội các Ukraine hôm 2-6 xác nhận rằng thiệt hại kinh tế của nước này kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động đã lên tới 600 tỉ USD.
"Theo ước tính của chính phủ, tổng thiệt hại của nền kinh tế Ukraine do chiến tranh gây ra đã lên tới 600 tỉ USD" - Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal phát biểu tại Diễn đàn GLOBSEC 2022 diễn ra tại Bratislava (Slovakia) hôm 2-6.
Thủ tướng Shmyhal giải thích con số này là từ những thiệt hại do nền kinh tế bị đình trệ, các tuyến đường xuất khẩu bị chặn đứng và hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, cũng như thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá và đường dây liên lạc.
Theo ông Shmyhal, cần có một nỗ lực phối hợp từ chính quyền địa phương, các tổ chức tư nhân và các chính phủ nước ngoài để khắc phục tình trạng này.
"Hiện tại, chúng tôi đang sửa chữa đường sá và nhà cửa, rà phá bom mìn, khôi phục điện, khí đốt và nước, đồng thời xây dựng nhà tạm cho hàng nghìn người. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang nhờ các đối tác giúp đỡ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Vào cuối tháng 4, ông Shmyhal ước tính rằng sáu tuần đầu tiên của cuộc chiến đã gây thiệt hại tổng cộng 500 tỉ USD cho nền kinh tế Ukraine, dự đoán rằng con số này sẽ lên tới 1.000 tỉ USD nếu chiến tranh kéo dài.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng nền kinh tế Ukraine sẽ thiệt hại 45% vào cuối năm nay. Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky trước đó cũng nói rằng việc tái thiết Ukraine sẽ cần sự hỗ trợ rất lớn từ các đồng minh phương Tây.
Anh dự đoán Moscow có thể sẽ kiểm soát Luhansk trong 2 tuần
Sáng 3-6, theo tờ The Guardian, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng hiện Nga đang đạt được thành công về mặt chiến thuật ở Donbass và kiểm soát hơn 90% Luhansk.
Trong báo cáo tình báo hôm nay, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sau khi các lực lượng Nga không đạt được mục tiêu ban đầu là kiểm soát Kiev và các trung tâm hành chính của Ukraine, Nga đã thay đổi chiến thuật và tập trung vào vùng Donbass, miền đông Ukraine.
“Nga hiện đang đạt được thành công về mặt chiến thuật ở Donbass. Họ đã duy trì được đà tiến và hiện đang nắm ưu thế trước quân Kiev. Nga kiểm soát hơn 90% tỉnh Luhansk và nhiều khả năng sẽ giành được toàn bộ khu vực này trong hai tuần tới” - trích báo cáo.
Theo báo cáo, Nga đã phải đổ nhiều nguồn lực để giành ưu thế, bằng cách tập trung lực lượng và hỏa lực vào một mặt trận đơn lẻ trên chiến trường.
“Nga chưa đạt được mục tiêu chiến lược nào so với kế hoạch ban đầu. Nga sẽ phải tiếp tục đầu tư rất lớn về quân lực và khí tài, và có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa nếu muốn thành công" - báo cáo có đoạn.
Nghị sĩ Venezuela: Trừng phạt Nga chỉ làm Mỹ mất đi vị thế “bá quyền”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Nghị sĩ Venezuela - ông Julio Chavez nhận định rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga chỉ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một thế giới đa cực nơi thế “bá quyền” của Mỹ và đồng USD không còn nữa.
"Các biện pháp trừng phạt khó có thể làm suy yếu Nga, Trung Quốc hoặc khối các nước đang phát triển. Tất cả những gì họ làm chỉ là đang củng cố các quốc gia này và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một thế giới đa cực không có sự bá quyền của Mỹ và đồng USD" - ông Chavez nói.
Ông Chavez cũng tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế của Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác chỉ gây thiệt hại cho người dân châu Âu, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.
Mỹ đang dẫn đầu một chiến dịch của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga do phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống nhắn tin tài chính quốc tế SWIFT và đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay của Nga.
Hôm 2-6, tờ The Guardian đưa tin rằng Nga đang chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế mà các quốc gia phương Tây phát động nhằm buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow đã dẫn đến việc giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu leo thang, điều này đã thúc đẩy cán cân thương mại của Nga, đóng góp vào ngân sách Moscow và khiến các nền kinh tế phương Tây căng thẳng, theo The Guardian.