Nông nghiệp bền vững nhờ HTX chuyển đổi số
Việc các HTX tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp đang thúc đẩy các địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu.
Không chỉ chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn để đưa sản phẩm bánh đa vừng và miến vừng đen đạt OCOP 3 sao và 2 sao, HTX Nguyên Lâm (Hà Tĩnh) còn đầu tư mẫu mã giúp người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm qua mã QR. Thành viên cũng kết nối với các ngân hàng để nhận thanh toán trực tuyến khi giao dịch trên không gian mạng.
Loay hoay chuyển đổi số
Đặc biệt, HTX còn tích cực đưa sản phẩm lên mạng xã hội, các ứng dụng, trang thương mại điện tử để tiếp thị sản phẩm, tiếp cận khách hàng và các đối tác.
Chính vì vậy mà từ năm 2021 đến nay, HTX đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Nhật, Nga, Ba Lan... mỗi đơn hàng đem về nguồn thu hàng tỷ đồng. Cũng nhờ thực hiện chuyển đổi số, những sản phẩm đặc trưng của địa phương do HTX làm ra tưởng chừng chỉ quanh quẩn tiêu thụ trong nước nay đã có cơ hội vượt qua lũy tre làng đến với nhiều người tiêu dùng trên thế giới.
Có thể thấy, những năm gần đây, không ít HTX đã bắt nhịp thị trường, quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP.
Nhiều HTX đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, như các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của loại cây, người dùng có thể truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học… cũng được áp dụng rộng ở những HTX sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn như HTX Chúc Sơn, HTX Hoàng Long (Hà Nội), HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Theo thống kê, cả nước đã có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao có sử dụng công nghệ thông tin. Các mô hình này đang góp phần thúc đẩy nông nghiệp thông minh, nông thôn số trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của các HTX vẫn còn tương đối chậm, chưa toàn diện. Nhiều HTX, nông hộ hiện nay vẫn còn loay hoay với câu hỏi nên chuyển đổi số như thế nào bởi quy mô sản xuất của các chủ thể này vẫn nhỏ. Chính vì vậy mà các HTX đang phải vật lộn với quá trình đổi mới sản xuất. Nhiều thành viên HTX trình độ công nghệ nói chung còn lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất manh mún, đứt đoạn.
Một nghiên cứu nhỏ về vấn đề ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho thấy, mới có 2/116 HTX đầu tư cho hệ thống đo độ ẩm, cảm biến nhiệt độ vì chi phí đầu tư công nghệ này hiện tương đối cao (khoảng 300 triệu đồng/1000m2). Chưa có HTX nào trên địa bàn huyện xây dựng kho lạnh cho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch do chi phí xây dựng khá cao (khoảng 14 tỷ đồng/1.000 tấn rau). Trong khi nguồn lực của các HTX có hạn.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Chữ (xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, HTX đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường toàn cầu, chi phí đầu vào tăng cũng như biến đổi khí hậu nên rất khó đầu tư cho chuyển đổi số trong khi trình độ của các thành viên còn nhiều hạn chế.
Hình thành chuỗi chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, từ thành viên HTX và phải được thực hiện trên từng thước đất, chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp.
Để người dân, thành viên HTX chuyển đổi số hiệu quả, điều đầu tiên là họ buộc phải tự thay đổi nhận thức, tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số có tính bắt buộc.
Tuy nhiên, chuyển đổi số muốn thành công phải phát triển được các liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối, chia sẻ gắn với thương mại số với sự tham gia của người dân, HTX, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số lúc này có vai trò thiết lập các ứng dụng số cần thiết và phù hợp cho chuỗi của mình, tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với nông dân. HTX từ đó thay đổi nhận thức nông dân, thành viên HTX đưa họ cùng tham gia chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia, muốn thành công phải có hai doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết số với HTX là: doanh nghiệp sản xuất số và doanh nghiệp công nghệ số (đơn vị cung cấp công nghệ số và tư vấn chuyển đổi số) để hỗ trợ người dân, HTX chuyển đổi số cùng nhau thì mới mang lại hiệu quả.
Một điều quan trọng đối với các HTX hiện nay là chi phí đầu tư cho chuyển đổi số còn cao so với khả năng của các HTX. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng cần đẩy nhanh quá trình triển khai cụ thể các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp, giảm độ trễ của chính sách.
Bên cạnh đó, một số văn bản, chính sách hỗ trợ HTX còn nhiều vướng mắc, trùng lặp nên cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể đi kèm, làm căn cứ triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tới từng HTX.
“Các tổ chức tín dụng cần xây dựng các hình thức thế chấp linh hoạt, đặc biệt có thể cho phép sử dụng định giá tài sản công nghệ cao đã được các HTX đầu tư trên đất là căn cứ cho việc thế chấp khi vay vốn”, bà Nguyễn Thị Huyền đề nghị.