Nông nghiệp Di Linh: Thích ứng để phát triển (Bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Nông nghiệp Di Linh: Thích ứng để phát triển (Bài 1)
Nông nghiệp Di Linh: Thích ứng để phát triển (bài cuối)

Bài 2: Khơi dậy tình yêu trong sản xuất nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng. Và với Di Linh, khó càng thêm khó. Bởi nhiệm vụ phát triển phải được thực hiện song song với nỗ lực khơi thêm cảm hứng cho người nông dân trong sản xuất, nhất là khi cơn sốt đất đã lan đến tận những vườn rẫy, tận vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất này.

Di Linh đang thực hiện nhiều giải pháp để người nông dân tiếp tục gắn bó với đất và ngành Sản xuất nông nghiệp.

Di Linh đang thực hiện nhiều giải pháp để người nông dân tiếp tục gắn bó với đất và ngành Sản xuất nông nghiệp.

TÌM LẠI CẢM HỨNG TRONG SẢN XUẤT CÀ PHÊ

Con đường mà Di Linh xác định là đúng. Nghị quyết đặt ra những nhiệm vụ phù hợp cho cả chặng đường dài. Và trước mắt, có lẽ Di Linh cần tìm lại cho mình vị thế vững vàng trong sản xuất cây cà phê.

Cây cà phê đã bén rễ và sinh sôi trên mảnh đất Di Linh hơn 100 năm qua. Đã có một thời Di Linh không chỉ là “thủ phủ” cà phê của Lâm Đồng, mà còn là một trong những vùng nguyên liệu cà phê lớn của cả nước. Có lẽ không sai khi người ta nói rằng, thời “Hoàng kim” của cà phê đã qua vào năm 1994 khi giá cà phê tăng lên đến 45.000 đồng/kg cà phê nhân. Bởi sau này, do diện tích cà phê phát triển nhanh không theo quy hoạch nào, các vấn đề về giống, quy trình chăm sóc, thu hái… chưa đạt chuẩn nên chất lượng cà phê chưa cao. Và quan trọng hơn, việc cà phê cũng không tránh được vòng luẩn quẩn của nông nghiệp: “được mùa, mất giá” với nhiều thời điểm giá cà phê liên tục sụt giảm khiến người nông dân không còn mặn mà với cây trồng này. Thậm chí có không ít người dân bỏ vườn không chăm sóc, hoặc phá bỏ hoàn toàn cây cà phê để thay thế loại cây trồng khác.

Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh, cho biết: Sầu riêng, mắc ca rõ ràng có cơ hội phát triển ở Di Linh. Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ những cây trồng mới này Di Linh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy gối đầu vẫn là giải pháp hiệu quả lúc này, nghĩa là huyện Di Linh hướng đến là trung tâm sản xuất cà phê và cây ăn quả của tỉnh, cà phê vẫn là cây trồng trung tâm. Và việc nâng cao chất lượng cây cà phê sẽ được tiến hành song song với việc thêm các cây trồng có giá trị khác.

Theo đó, Di Linh không khuyến khích việc phá bỏ hoàn toàn hay tăng diện tích cà phê trong Nhân dân mà địa phương này tập trung làm tốt việc tái canh, cải tạo nâng cao năng suất chất lượng trên diện tích cà phê hiện có. Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh, bình quân hàng năm người dân trồng tái canh, ghép cải tạo 1.800 ha cà phê kém chất lượng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Di Linh sẽ tăng năng suất khoảng 6.617 ha cà phê kém hiệu quả, năng suất thấp trên toàn huyện. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ để người dân dần chuyển đổi từ sản xuất cà phê theo phương thức truyền thống sang sản xuất theo hướng chất lượng cao, công nghệ cao, VietGap, Ogarnic, 4C, UTZ, Rainforest... Huyện Di Linh phấn đấu đến năm 2025 trên 40% diện tích cà phê đạt điều kiện thâm canh cao, năng suất ổn định 40 tạ/ha trở lên, kết hợp với trồng xen các loại cây trồng khác tăng nguồn thu cho bà con nông dân, tạo đà cho kế hoạch đột phá tăng tốc về kinh tế của huyện.

Với những giải pháp đó, huyện Di Linh đang dần khơi lại cảm hứng cho người dân địa phương trong sản xuất và nâng tầm thương hiệu “Cà phê Di Linh”.

ĐỂ NGƯỜI DÂN GIỮ ĐẤT

Giá đất và bán đất có lãi là vấn đề được bàn nhiều trong nông dân Di Linh hiện nay. Ông Vũ Hồng Long chia sẻ thêm, “trước đây người nông dân ngồi lại với nhau trao đổi xem bón phân gì hiệu quả, giá nông sản lên xuống ra sao. Còn bây giờ, câu chuyện người ta nhắc tới nhiều là giá đất. Trên địa bàn huyện có 34 hộ nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Nhưng nguồn thu đó không là gì so với việc bán đất, cũng vì thế mà có 6 hộ nuôi bò sữa đã không còn kiên trì bám trụ và lựa chọn bán đất và chuyển sang làm nghề buôn bán đất. Việc người dân bán đất nhiều thực sự là vấn đề mà không chỉ ngành Nông nghiệp mà các ngành, các địa phương cần tìm giải pháp tháo gỡ”.

Thực tiễn hiện nay có thể thấy, việc mua bán đất đai đã len lỏi vào tận các buôn làng. Trong suy nghĩ của những người nông dân ruộng rẫy của họ chưa bao giờ có được mức giá cao như thế. Và rõ ràng nếu tính về lợi nhuận, việc bán đất có thu được nhiều hơn so với sản xuất nông nghiệp. Người có nhu cầu mua nhiều, bà con nông dân bán đất cũng không ít. Nhưng bán đất, nghĩa là bán đi tư liệu sản xuất quý nhất của nông dân. Bán đất là lợi ích trước mắt hơn nhưng hệ lụy nằm ở chuyện lâu dài. Những mục tiêu, định hướng, kế hoạch của Di Linh đặt ra trong sản xuất nông nghiệp rõ ràng là đúng. Nhưng tất cả cũng sẽ là vô nghĩa nếu người nông dân bán đi đất sản xuất của mình.

Bởi vậy hiện nay, bên cạnh việc tuyên truyền, thắt chặt quản lý trong việc mua bán, sang nhượng đất đai, huyện Di Linh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người nông dân thu được nhiều lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp trên chính diện tích đất của mình. Và việc triển khai các giải pháp về trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế như sầu riêng, bơ, mắc ca… thực sự đã đem lại nguồn thu lớn hơn cho nông dân.

Trong 5 năm qua, trên cơ sở các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện như: Chương trình tái canh, ghép cải tạo giống cà phê; đề án Nâng cao chất lượng giống cây trồng, chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, huyện Di Linh đã hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, kỹ thuật, hệ thống tưới nước tiết kiệm… cho người dân; qua đó, tạo nên sự biến chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến hết năm 2020, diện tích cây ăn trái trồng xen cà phê đã chứng minh hiệu quả. Đơn cử như, cây sầu riêng toàn huyện 3.056 ha, diện tích cho sản phẩm 900 ha, sản lượng đạt 10.800 tấn; diện tích bơ đạt 1.971,10 ha, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng đạt 10.400 tấn; diện tích mắc ca là 1.100 ha, diện tích cho thu hoạch 258 ha, năng suất đạt 17 tạ/ha, sản lượng 434 tấn.

Để đảm bảo các loại nông sản ổn định đầu ra và có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, huyện Di Linh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xác định mã vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các loại cây trồng trên địa bàn huyện, tạo thuận lợi cho quá trình xuất khẩu. Lợi nhuận trên đất đã dần được tăng lên, đó là cơ sở để người nông dân tiếp tục gắn bó với đất và ngành Sản xuất nông nghiệp. Và chính người dân cũng đang dần nỗ lực để tăng nguồn thu trên đất sản xuất của mình, cũng nhờ thế mà rẫy, vườn ở Di Linh đang từng bước chuyển mình sôi động.

(CÒN NỮA)

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202205/nong-nghiep-di-linh-thich-ung-de-phat-trien-bai-2-3115320/