Nông nghiệp đón sóng cơ hội từ xuất khẩu xanh
Việc chuyển giao sang phát triển xanh và bền vững đã không còn là vấn đề riêng từng ngành hàng mà đã là xu thế chung của thế giới. Năm 2023, với sự nỗ lực chuyển từ đường tiểu ngạch sang chính ngạch, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đáp ứng hàng loạt các quy định mới gắn với mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc… Đây được kỳ vọng tiếp tục là cơ sở để ngành rau quả tăng tốc trong nay.
Cơ hội bứt tốc từ xuất khẩu xanh
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra (54 tỷ USD) nhưng thặng dư thương mại đã đạt mức cao kỷ lục, lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.
Với riêng mặt hàng sầu riêng đã thu về tới 2,3 tỷ USD trong năm nay, cao gấp 5 lần năm trước đó.
Không dừng lại ở sầu riêng trái, trong năm tới, cơ hội từ dừa, sầu riêng đông lạnh… là rất lớn khi nước ta đang đàm phán, tiến tới nghị định thư xuất khẩu sang Trung Quốc. Với 1,4 tỷ dân, đây được dự báo là thị trường rất lớn cho rau quả tiếp tục bứt tốc trong năm tới.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Sau nhiều năm tái cơ cấu, quy mô các ngành hàng nông nghiệp đã rất rõ và liên kết chặt chẽ. Căn cứ vào nhu cầu thị trường và cơ cấu sản xuất để chúng ta thúc đẩy, phát huy tiềm năng, lợi thế của các thị trường. Lúa gạo, hoa quả, thủy sản... cần phát huy đồng bộ để giá trị xuất khẩu năm 2024 lớn hơn 2023".
Không chỉ để đáp ứng thị trường, việc chuyển đổi xanh cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế. Một trong những thách thức lớn trong năm nay là việc “giảm dấu chân carbon" từ các thị trường nhập khẩu lớn ngày càng ngặt nghèo hơn. Vì thế, xúc tiến xuất khẩu xanh là yêu cầu đề ra, mà ngành lúa gạo đã tiên phong với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp. Năm nay, gạo carbon thấp dự kiến sẽ góp phần tăng giá trị xuất khẩu 13% so với năm 2023.
Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản cho biết, nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng là ngành phát thải khá nhiều carbon. Việc chuyển đổi xanh đã được doanh nghiệp này nghiên cứu, ứng dụng và cho hiệu quả đáng kể. Không chỉ bán lúa gạo, doanh nghiệp này đã bán tín chỉ carbon, bán quy trình trồng lúa “không phát thải”, đóng góp hàng chục tỷ vào doanh thu mỗi năm.
Phát biểu tại lễ triển khai đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày 12/12/2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
“Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng”, Bộ trưởng khẳng định.
“Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội”
Dù dần bước chinh phục được thị trường Mỹ và Trung Quốc, thế nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn đang có phần “chậm chân” tại thị trường EU với nguyên nhân được cho là chậm triển khai các cam kết bền vững.
Theo đó, là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này.
Chia sẻ tại diễn đàn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng diễn ra ngày 8/12/2023, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định: “Một khi tất cả các công ty cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì làm xanh hóa quy trình có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.
“Đáp ứng các quy định về môi trường và yêu cầu bền vững cao hơn là nhiệm vụ cần thiết trong việc phát triển chiến lược kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp. Đây cũng là một việc nên làm bởi vì đây thường không còn là sự lựa chọn nữa mà là yêu cầu bắt buộc do thực tế của nền kinh tế tuần hoàn đặt ra”, Tiến sĩ Hùng nói.
Nhưng xanh hơn là chưa đủ. Theo ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Vietnam – Đồng Chủ tịch Đối tác Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), ngành nông nghiệp Việt Nam cần đảo ngược tình trạng phát thải chất thải, khí nhà kính ra môi trường hiện nay, hướng tới nông nghiệp bền vững với môi trường, phục hồi và thậm chí góp phần vào chu trình tái sinh hệ thống tự nhiên. Ở đó, nông dân là trung tâm, là chủ thể thực hiện các giải pháp một cách thức chất, giúp phục hồi đất đai, đa dạng sinh học và bảo tồn nước. Muốn làm được điều này không thể chỉ có sức của doanh nghiệp mà rất cần sự dẫn dắt, hỗ trợ của Nhà nước.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nong-nghiep-don-song-co-hoi-tu-xuat-khau-xanh.html