Nông nghiệp hữu cơ 'lên ngôi'

Trong bối cảnh nỗi lo về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản của người dân ngày càng tăng, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang là hướng đi đầy triển vọng của tỉnh Quảng Trị. Hướng đi ấy đã có những bước khởi đầu vững chắc.

 Thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” nay đã được nhiều người biết đến - Ảnh: T.L

Thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” nay đã được nhiều người biết đến - Ảnh: T.L

Đến giờ, việc sản xuất nông sản theo phương pháp canh tác tự nhiên tại huyện Triệu Phong đã trở thành phong trào. Trước đây, khi được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ triển khai mô hình, người dân các xã trong vùng dự án chưa thực sự tin tưởng. Một số người vẫn nghĩ, không có cách gì khác để phòng trừ sâu bệnh, giúp cây trái sinh sôi ngoài dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Suy nghĩ ấy hoàn toàn thay đổi từ khi các chuyên gia Hàn Quốc về tận thôn, xóm “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Từ vài héc ta thử nghiệm ban đầu, giờ đây rất đông người dân trong và ngoài vùng dự án ở huyện Triệu Phong đã bắt tay với mô hình canh tác tự nhiên với nguyên tắc: “Không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, diệt cỏ”. Trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn đã sản xuất hơn 100 ha lúa, rau các loại theo mô hình canh tác tự nhiên. Hàng chục mô hình nuôi gà, lợn sử dụng các chế phẩm tự nhiên ra đời nhờ sự hướng dẫn của chuyên gia Hàn Quốc. Sản phẩm từ mô hình đã được khách hàng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao. Đặc biệt, quy trình sản xuất gạo sạch Triệu Phong đạt giải Nhất về công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường năm 2017 tại hội nghị quốc tế về công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Năm 2019, gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong được chứng nhận chất lượng hữu cơ Việt Nam và được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Tại huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, thông qua các chương trình, dự án, có gần 170 ha hồ tiêu đã được nông dân canh tác theo quy trình hữu cơ. Từ năm 2018, 132 hộ nông dân tại các thôn của xã Gio An gồm: Tân Văn, Hảo Sơn, An Nha, An Hướng, Xuân Hòa đã liên kết với Công ty Organics More Co.,Ltd để sản xuất và bao tiêu hồ tiêu hữu cơ với quy mô 62,6 ha. Điều đáng mừng là sản phẩm người dân làm ra đã được tổ chức đánh giá độc lập Châu Âu Control Union chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Mỹ. Năm 2019, người dân vùng dự án đã bán 18 tấn hồ tiêu hữu cơ cho công ty với giá bán 78 ngàn đồng/kg, cao hơn 18 - 20 ngàn đồng/kg so với thị trường. Đây được xem là hướng đi đột phá mới cho ngành hàng hồ tiêu Quảng Trị để thâm nhập các thị trường tiềm năng ở Châu Âu và các nước khác.

Chưa bao giờ cụm từ “nông nghiệp hữu cơ” lại được doanh nghiệp, người dân quan tâm như hiện nay. Chính nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn của người tiêu dùng đã trở thành “chất xúc tác” để việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ “lên ngôi”. Nắm bắt cơ hội này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đưa ra nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu đưa ra là giúp tỉnh trở thành địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực như: Gạo hữu cơ chất lượng cao, hồ tiêu Quảng Trị, cà phê Arabica, cây ăn quả đặc sản…

Được sự chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mô hình tăng trưởng được định hướng chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết. Lãnh đạo sở khuyến khích đưa vào ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Việc huy động sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Cán bộ sở tập trung tuyên truyền, vận động, giúp nông dân hiểu lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Từ đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn đã ra đời, mang lại niềm vui cho người dân. Ngoài mô hình sản xuất nông sản theo phương pháp canh tác tự nhiên tại huyện Triệu Phong và mô hình sản xuất tiêu hữu cơ ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, nhiều mô hình điểm đã gặt hái thành quả bước đầu có thể kể đến là: Mô hình liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam, Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị; trồng cam hữu cơ với quy mô gần 20 ha ở các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Hải Lăng; sản xuất rau ứng dụng công nghệ hữu cơ Obi-Ong biển tại phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà; trồng thanh long ruột đỏ, ruột tím theo hướng hữu cơ tại Phường 3 (thành phố Đông Hà) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) với quy mô gần 10 ha; mô hình cà phê hữu cơ sinh thái với quy mô 19 ha tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa… Đáng chú ý, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam, Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã tiến hành ký kết hợp đồng với 6 hợp tác xã, tổ hợp tác thuộc 4 huyện để xây dựng vùng sản xuất gạo hữu cơ với tổng diện tích gần 800 ha. Mô hình này đã đạt được hiệu quả cao trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Với mỗi héc ta lúa hữu cơ, nông dân trên địa bàn thu lãi 26 - 38 triệu đồng/ vụ, cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà.

Hiện tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo tập trung, phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nông sản hữu cơ, canh tác tự nhiên, chú trọng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cam, bơ, chuối, chanh leo, dược liệu… Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng đạt 5.000 ha - 10.000 ha.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151227