Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Hướng tới ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới

Phong trào nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đang phát triển tương đối nhanh. Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, còn rất nhều việc phải làm.

Nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong triển khai, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, đưa nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, ngày 2/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030.

Hướng đến phát triển cả chiều rộng và chiều sâu

Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản- Bộ NN&PTNT cho biết, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ phải được triển khai cả về chiều rộng, chiều sâu theo hướng tăng cường áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ (phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...) trong sản xuất nông nghiệp và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ có giá trị gia tăng cao.

Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa... Tỷ lệ chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản...

Tại Hội nghị, đông đảo cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… đã cùng nhau thảo luận về kế hoạch hành động cũng như giải pháp triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 để đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Hà Phúc Mịch- Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, từ khi chính sách trong Nghị định 109/2018/NĐ-CP được thực thi đã xuất hiện nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha, bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn rất rộng mở, kể cả trong nội địa và xuất khẩu. Điển hình là tác động rất lớn của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA. Tuy vậy, theo ông Mịch, sản xuất lớn tất yếu phải có dịch vụ cung cấp vật tư cho nông nghiệp hữu cơ chuyên nghiệp, đủ tầm như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thảo mộc, sinh học... Rất đáng tiếc là Bộ TCVN 1041:2017/2018 với 8 tiêu chuẩn đã ban hành là chưa đủ. Để áp dụng đúng và dễ dàng cho nhà sản xuất, cần thiết phải có bảng danh mục vật tư đầu vào (từ danh mục chi tiết) của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo ông Hà Phúc Mịch, đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ tất yếu phải áp dụng theo một tiêu chuẩn phù hợp với thị trường, để xác định là sản phẩm hữu cơ phải có đơn vị chứng nhận. Bởi vậy, vấn đề hoạt động của các đơn vị chứng nhận sản phẩm hữu cơ cần được xây dựng, hình thành các quy định hiện hành. Nhưng đòi hỏi sự công tâm, minh bạch là rất cần thiết để cộng đồng giám sát ngoài sự giám sát của cơ quan Nhà nước.

Đến nay, đã thấy xuất hiện chứng nhận theo tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 nhưng công khai danh sách các đơn vị đã được cấp phép hoạt động chứng nhận là cần thiết. Đã xuất hiện một số chứng nhận sản phẩm hữu cơ không rõ ràng được bán trên thị trường (không ghi rõ trên bao bì các thông tin); lĩnh vực chứng nhận là rất nhạy cảm nếu quản lý, giám sát không tốt sẽ phản tác dụng như bài học chứng nhận VietGAP trước đây.

Hơn nữa, trong nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay có nhiều tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng như USDA, EU, JAS... Nếu TCVN còn nhiều trở ngại trong sản xuất và có vấn đề trong chứng nhận là điều nằm ngoài mong muốn của chúng ta. Chưa kể, việc triển khai đưa chính sách vào thực thi ở các tỉnh, thành phố đang rất chậm, chưa được quan tâm chỉ đạo là một trở ngại cho phát triển. Có tình trạng dân mong, doanh nghiệp cần nhưng các cấp đang nghiên cứu.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới còn nhanh hơn nữa. Chính vì vậy, vừa qua Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 nhằm tiến tới từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Để làm được việc này, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bên cạnh diện tích tiếp tục phải thâm canh, tăng năng suất để đảm bảo an ninh lương thực thì từng địa phương căn cứ vào diện tích đất, cũng như mặt hàng nông nghiệp chủ lực để chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cần tập trung công tác đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất, bởi hiện nay rất nhiều hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nên phải để họ hiểu rõ nông nghiệp hữu cơ là như thế nào, tiêu chuẩn quy chuẩn ra sao.

Do đó, sau đợt này, Bộ sẽ tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp từ cấp sở, cấp địa phương và người sản xuất về các tiêu chuẩn hữu cơ, nhất là Tiêu chuẩn TCVN 11041:2017. Song song với đó, Bộ sẽ hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Bởi lẽ, quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ là rất tốn kém, không phải nơi nào cũng làm được.

Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập đó là việc quản lý được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đưa ra thị trường về nhãn mác, chất lượng. “Vừa qua, chúng tôi thử đi tìm hiểu một số nơi cho thấy có những mặt hàng được dán nhãn mác nông nghiệp hữu cơ nhưng lại chưa được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Vấn đề này cần phải chấn chỉnh. Việc này cũng không chỉ riêng Bộ NN&PTNT làm được mà đòi hỏi các ngành, nhất là các cơ quan quản lý thị trường cùng tham gia phối hợp”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần hỗ trợ về cơ sở pháp lý, tạo điều kiện để giúp đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ trong nước để họ nâng cao năng lực. Đồng thời định hướng cho họ liên kết với các tổ chức chứng nhận quốc tế để làm sao từng bước nâng cao vị thế, trình độ, năng lực của các tổ chức chứng nhận trong nước ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp quốc tế (IFOAM), diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53,35 nghìn ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-nghiep-huu-co-viet-nam-huong-toi-ngang-bang-cac-nuoc-tien-tien-tren-the-gioi-146741.html