Nông nghiệp 'lột xác' nhờ thay đổi tư duy

75 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã tiến được một hành trình dài. Từ một thuộc địa có ngành nông nghiệp lạc hậu trước Cách mạng Tháng Tám, với khoảng 2 triệu người dân bị chết đói, tới nay, Việt Nam đã trở thành 'cường quốc' nông nghiệp, thuộc tốp 15 thế giới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, với tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2019 là 41,2 tỷ USD, thặng dư thương mại là 6,8 tỷ USD.

Sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam có mặt ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nông sản có giá trị KNXK “tỷ đô” như: Gạo, thủy sản, đồ gỗ, rau quả và trái cây, cà phê, cao su... Sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã chinh phục được những thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm, như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Có được thành quả này phải nhắc tới những lần thay đổi về tư duy quản lý nông nghiệp, thể hiện trong một số chính sách đã "cởi trói", đánh thức tiềm năng của tư liệu sản xuất-đất đai như Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13-1-1981), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988) đã làm cho người nông dân thêm yêu, thêm gắn bó với đồng ruộng. Sau gần 3 thập kỷ đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, gia tăng nhanh về sản lượng nông sản phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, khi tốc độ tăng trưởng, dư địa tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, hẹp lại, ấy là lúc cần động lực tư duy mới. Từ năm 2014, Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời đó là một bước chuyển về tư duy: Từ tập trung vào sản xuất, sản lượng sang tập trung vào chất lượng và mở rộng thị trường. Đến nay, cuộc chuyển đổi ấy đã bắt đầu thu được “trái ngọt”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhiều lần khẳng định: "Chúng ta không chỉ tập trung vào năng suất, sản lượng mà phải tập trung vào chất lượng, thương hiệu, sản xuất theo “mệnh lệnh” từ thị trường, tín hiệu từ thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất". Chính tư duy, suy nghĩ, cách làm mới này đã tác động tới toàn ngành nông nghiệp và ngay cả nông dân.

 Nông dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch lúa.

Nông dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch lúa.

Hiệu quả tái cơ cấu đề cao chất lượng rất rõ đối với lĩnh vực xuất khẩu gạo. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đưa ra nhận xét: “Trước đây, gạo chất lượng cao xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ thấp thì nay, Việt Nam đã chuyển hướng sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Nhờ đó, giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Tuyết, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho hay: "Trước đây, chúng tôi trồng na không chú trọng chất lượng, cây cứ ra nhiều quả là mừng nhưng quả nhỏ, không đồng đều, thường chỉ bán được 5.000-10.000 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, chúng tôi thụ phấn cho na và mỗi cây chỉ để số lượng vừa phải, để quả to, đồng đều, đẹp mã, chất lượng bảo đảm, cộng thêm việc điều chỉnh để cây ra quả, thu hoạch “né” thời điểm thu hoạch na Lạng Sơn, nhờ thế mà giá bán buôn ngay tại vườn từ 40.000 đồng/kg trở lên. Với vườn na 1,3ha, gia đình tôi thu được hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất khoảng 100 triệu đồng, còn lãi được khoảng 400 triệu đồng".

Thay đổi tư duy, cách làm mới đã mang đến nhiều kết quả nổi bật về kinh tế nông nghiệp và diện mạo mới ở nhiều địa phương, đời sống của nông dân ngày càng được nâng cao. Ba thập niên trước, Bắc Giang đã mạnh dạn chuyển hướng tập trung sang cây ăn quả với cây vải là chủ lực. Năm 2019, cây vải đã đóng góp vào kinh tế tỉnh Bắc Giang khoảng 6.500 tỷ đồng (giá trị quả vải 4.500 tỷ đồng; 2.000 tỷ đồng dịch vụ, bao bì đóng gói). Đối với tỉnh Sơn La, nếu trước đây vốn được mệnh danh là “thủ phủ của cây ngô” thì nay đã trở thành “vương quốc trái cây” với đủ loại: Xoài, nhãn, bơ, chanh leo, na... không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất ngoại tới EU, Nhật Bản, Australia... Những bước chuyển ở các địa phương như Sơn La đã góp phần đưa trái cây và rau quả của Việt Nam gia nhập “Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô”. Năm 2019, xuất khẩu trái cây của Việt Nam là 3,8 tỷ USD. Xuất khẩu trái cây đã vượt xuất khẩu dầu thô từ năm 2017. Và trong tương lai không xa, mặt hàng này của Việt Nam có thể “cán mốc” KNXK 10 tỷ USD. Theo các chuyên gia về nông nghiệp, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngay khi bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, Bộ NN&PTNT mạnh dạn đề xuất giảm, chuyển đổi 500.000ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Nếu trước đây trong cơ cấu nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo-thủy sản-trái cây thì hiện nay lại theo hướng thủy sản-trái cây-lúa gạo. Vùng đang từng bước khai thác hướng chuyển đổi này và đã có hiệu quả trên thực tế.

Cách đây hai thập kỷ, khó có ai tưởng tượng được mặt hàng đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam lại có thể đạt tới 11,2 tỷ USD và hiện chiếm gần 30% tổng KNXK của toàn ngành nông nghiệp. Con số thặng dư thương mại năm 2019 đạt tới 8,68 tỷ USD. Và thật hiếm có mặt hàng nào lại liên tục có sự tăng trưởng ở mức hai con số suốt nhiều năm như mặt hàng đồ gỗ và lâm sản. Nếu như 10 năm trước, nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu thì đến nay, với sản lượng khai thác gỗ trong nước từ các diện tích rừng trồng tập trung, diện tích cây trồng phân tán, cây vườn nhà và gỗ cao su đã đáp ứng được 75% nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến. Đây là thành quả trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, độ che phủ rừng của cả nước tới nay đạt 41,75%.

Rõ ràng tư duy mới, cách làm mới đã đem đến cho ngành nông nghiệp Việt Nam diện mạo mới, hiệu quả và bền vững hơn. Nông nghiệp từ chỗ là một lĩnh vực lạc hậu, chậm tiến đã trở thành một mũi tiên phong, một “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế đất nước thời kỳ hội nhập.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-nghiep-lot-xac-nho-thay-doi-tu-duy-633666