Nông nghiệp Na Rì 'khoác áo mới' với chuỗi giá trị, nông dân và HTX liên kết làm giàu
Cây dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực của xã Lạng San, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Dựa trên thế mạnh sẵn có, HTX dược liệu Bảo Châu được thành lập, trở thành điểm tựa giảm nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ thành viên, nông dân liên kết.
Xuất phát điểm với 7 thành viên, HTX dược liệu Bảo Châu đến nay đã thu hút trên 100 hộ thành viên và nông dân liên kết, xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, mang lại giá trị kinh tế vượt trội, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Sức lan tỏa từ một “điểm sáng” HTX
Ông Hoàng Văn Luân, người sáng lập HTX Bảo Châu, cho biết trước khi mô hình trồng dược liệu được đưa vào sản xuất, đa số ruộng đất tại địa phương triển khai trồng lúa, ngô, cây rau màu theo hướng nhỏ lẻ, thị trường bấp bênh nên thu nhập của các hộ sản xuất rất thấp.
Năm 2016, sau nhiều năm gắn bó với nghề hái thuốc trên rừng, tự mày mò chế biến rồi mang ra chợ bán, ông Luân nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng “vừa cũ lại vừa mới” này nên quyết định bắt tay cùng những người cùng chí hướng để phát triển mô hình theo hướng hàng hóa.
“Các loại dược liệu chính như cà gai leo, mừng phi, cây cỏ ngọt… vốn không xa lạ với những người dân gắn bó với đất rừng ở Lạng San, nhưng việc đưa các loại cây này vào trồng tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn thì ít ai nghĩ tới. Vì lẽ đó, chúng tôi quyết định thành lập HTX để nâng tầm các loại dược liệu quý này”, người sáng lập HTX Bảo Châu chia sẻ.
Ý tưởng đầy triển vọng, tuy nhiên quá trình triển khai, nhân rộng mô hình trồng dược liệu của HTX Bảo Châu lại không hề dễ dàng. Ban đầu, các thành viên HTX phải đứng ra vận động, tập huấn kỹ thuật để giúp các hộ liên kết trồng theo đúng bài bản, tạo ra vùng nguyên liệu đạt chất lượng tốt.
Sau thời gian dài hoàn thiện về quy trình sản xuất, tạo ra vùng nguyên liệu sạch, HTX lại bắt đầu hành trình đi tìm kiếm thị trường. Xuất phát từ những buổi tiếp thị, bày bán tại chợ truyền thống với lượng tiêu thụ thấp, HTX bắt đầu tìm đến các cơ quan chức năng địa phương để được hỗ trợ.
Bước ngoặt đến vào năm 2016, khi nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bắk Kạn về vốn, HTX đã đầu tư mạnh cho khoa học kỹ thuật, mở rộng nhà xưởng, chú trọng hoạt động sơ chế và chế biến sâu. Công nghệ được nâng tầm cũng là lúc sản phẩm của HTX được nâng tầm cả về mẫu mã, chất lượng và sản lượng, tạo điểm tựa để vươn đến những thị trường lớn hơn.
Từ giữa năm 2019, HTX tham gia Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0”, qua đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm phát triển thương hiệu sản phẩm, mở bán hàng trên các trang thương mại điện tử như sendo, shopee, voso.vn, sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (backanmarket.vn)…
4 chuỗi giá trị chủ lực
Quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ lãnh đạo cũng như thành viên, nông dân liên kết của HTX Bảo Châu đã cho “trái ngọt”. Một số sản phẩm từ cây dược liệu của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2018 như: Cà gai leo dạng túi lọc; cao cà gai kết hợp cà gai, bàn tay ma đỏ (mừng phi) và cây cỏ ngọt…
Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm dược liệu khác như ba kích, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu… Nhờ sản xuất khoa học, giá trị kinh tế thu về tại các vùng trồng dược liệu của HTX đạt bình quân 150 – 300 triệu đồng/ha/năm. 100% thành viên HTX hiện là các hộ khá giả, người lao động HTX có thu nhập ổn định.
Không chỉ có cây dược liệu, từ năm 2021 đến nay, huyện Na Rì thực hiện 4 chuỗi giá trị gồm gà, nghệ, lợn đen và hồng không hạt. Các mô hình đến nay đều có những chuyển biến tích cực từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân địa phương.
Đơn cử, trong phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi lợn đen, ngành nông nghiệp huyện Na Rì chủ động thúc đẩy vai trò “bệ đỡ” của các HTX, tổ hợp tác. Tiêu biểu trong chuỗi lợn đen có HTX Trần Phú, HTX Công Thành Phát, HTX Dịch vụ tổng hợp Na Rì, HTX Nông nghiệp Liêm Thủy và nhiều hộ dân chăn nuôi lợn có quy mô lớn từ 50 con trở lên tại các xã Kim Lư, Sơn Thành, Văn Minh, Trần Phú,...
Điển hình tại HTX Trần Phú, việc hỗ trợ nhân giống lợn đen đang được HTX cung cấp một phần, còn lại người dân tự mua hoặc tự sản xuất con giống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 3,7 triệu đồng/con.
Việc thực hiện thành công dự án tại HTX góp phần tạo cơ sở để huyện Na Rì tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại địa phương. Việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không những giảm được những rủi ro về dịch bệnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Bắt nhịp chuyển đổi số
Cùng với thành công của chuỗi giá trị chăn nuôi lợn đen, các chuỗi giá trị khác cũng đang có được những thành quả ban đầu đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong quá trình triển khai chuỗi giá trị liên kết sản xuất gà thả vườn, huyện Na Rì chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện cho 19 tổ hợp tác, 254 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng; qua đây tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho 254 hộ chăn nuôi trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
Chuỗi giá trị nghệ duy trì từ năm 2021 đến nay với diện tích trung bình từ 10 - 15ha/năm. Sau khi trừ chi phí, 1 ha trồng nghệ cho thu nhập khoảng 86 triệu đồng. Khi tham gia thực hiện theo chuỗi giá trị, người dân được tạo thêm công ăn việc làm, được tập huấn khoa học kỹ thuật, khi có sản phẩm sẽ có đơn vị liên kết bao tiêu.
Trong quá trình thực hiện, các hộ dân được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thực hiện các biện pháp sản xuất theo đúng quy trình, tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với chuỗi giá trị hồng không hạt, Na Rì đang có 130ha, tăng hơn 72 ha so với năm 2021, được tập trung tại các xã Sơn Thành, Trần Phú, Dương Sơn, Kim Lư, Cư Lễ,... Hồng không hạt có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Để tiếp tục hóa giải những thách thức, phát huy kết quả đang có, thời gian tới, huyện Na Rì dự kiến tiếp tục hoàn thiện sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ và đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Na Rì như miến, cam quýt, dược liệu, bánh… đều được đóng gói truyền thống thì nay đã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin dùng hơn, lượng tiêu thụ vì thế cũng tăng so với trước.
Với thành công bước đầu, trước mắt, địa phương sẽ tập trung xây dựng một số mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm...