Nông sản Việt được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng
Mặc dù Nhật Bản là một thị trường khó tính, song nếu nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, cùng với đó là việc đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, chất lượng sản phẩm tốt... các doanh nghiệp (DN) Việt sẽ có nhiều cơ hội khai thác tiềm năng của thị trường này.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), trong những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,61 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 7,08 tỷ USD.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại…, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.
Về hợp tác đầu tư, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký trên 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay.
Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Việc hai nước cùng tham gia những hiệp định này tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới” - ông Phú nhấn mạnh.
Đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Masataka Fujita, Tổng thư ký AJC cho biết, hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.
Theo kế hoạch của Tập đoàn AEON, nhà phân phối lớn của Nhật Bản, Tập đoàn này sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật lên 1 tỷ USD (khoảng 110 tỷ yên) vào năm 2025, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017.
Có thể thấy, rất nhiều cơ hội mở ra cho hàng hóa thực phẩm của các DN Việt Nam vào thị trường Nhật. Đơn cử, những sản phẩm đặc sản vùng miền như chè, bưởi Đoan Hùng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, cá sấy Thác Bà... sẽ là những mặt hàng được người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm và sẽ đón nhận nếu việc xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh.
Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú cho biết, Cục XTTM thường xuyên hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan của Nhật Bản thực hiện các chương trình kết nối giao thương. Trong những năm qua, Cục đã tổ chức nhiều chương trình XTTM với Nhật Bản và luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các tổ chức XTTM Nhật Bản, trong đó có AJC, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các đối tác và DN Nhật Bản.
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản năm 2021 vừa được Cục XTTM tổ chức mới đây, đã có trên 40 DN Việt Nam giới thiệu tới gần 50 nhà nhập khẩu, phân phối của Nhật Bản nhiều mặt hàng nông sản (rau củ quả, các loại hạt...), thực phẩm khô (xoài, thanh long sấy...), thủy hải sản, đồ uống (cà phê, sữa...), gia vị, bánh kẹo, hàng tiêu dùng các loại khác... Đây là những sản phẩm được coi là đặc sản của các địa phương và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ cao của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng phía Nhật.
Tất nhiên, Nhật Bản không phải là thị trường dễ tính, ngược lại đây là thị trường khó tiếp cận, vì vậy các DN cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường này. Ngoài ra, các DN cũng cần quan tâm đến xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm.
Cụ thể, để chọn mua một mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm nhiều nhất tới yếu tố tác động đến sức khỏe, thông tin sản phẩm (thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, thành phần nào có thể gây dị dứng, hạn sử dụng…) sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm.