Nông sản Việt Nam tỏa sáng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên giá gạo xuất khẩu Việt Nam, một trong 3 'cường quốc' xuất khẩu gạo trên thế giới (Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ), loại 5% tấm đang ở mức cao nhất.

Trong toàn cảnh bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, vẫn có những điểm sáng. Một trong những điểm sáng đó chính là gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục nâng cao vị thế đứng hàng đầu thế giới cả về sản lượng và chất lượng.

Thế hệ 8x, 9x trở lại đây, thật khó hình dung nổi lo lớn nhất của những gia đình cán bộ, công nhân, viên chức những năm 80 thế kỷ trước là “mất sổ gạo”, thiếu ăn triền miên. Không chỉ các hộ nông dân ở miền Trung nơi thiên nhiên khắc nghiệt, mà nhiều hộ nông dân ở những miền quê đất đai trù phú vùng đồng bằng Bắc bộ cũng thiếu đói vì cơ chế kinh tế quan liêu, bao cấp, quản lý hợp tác xã “ rong công, phóng điểm”... Cho đến năm 1988, chúng ta vẫn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo. Vậy mà, chỉ bước sang năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 đến 4,5 triệu tấn những năm sau đó, làm cho cả thế giới phải kinh ngạc.

Có thể nói đây là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước, trong đó đột phá là đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ về cơ chế kinh tế trong hơn 30 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trực tiếp hiện nay là Nghị quyết Trung ương 7 khoá10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, triển khai, đưa vào cuộc sống từ hơn 10 năm qua.

Từ chuyện hạt gạo cho thấy, khi có cơ chế đúng đắn, phù hợp sẽ làm bật lên những năng lực, nội lực vốn ẩn sâu đâu đó để biến thành sức mạnh vật chất mạnh mẽ, nhanh chóng mà ngay cả chính chúng ta cũng không ngờ tới. Công cuộc “đổi đời” này xuất phát từ sự dũng cảm đi đầu trong đổi mới cơ chế phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Sau Vĩnh Phúc, Hải Phòng là địa phương thứ 2 công khai thực hiện khoán hộ, khoán sản phẩm, bỏ khoán việc. Tháng 6-1980, Huyện ủy Đồ Sơn ra nghị quyết số 05 giao ruộng đến xã viên. Ngày 27-6-1980, Thành ủy Hải Phòng ra nghị quyết số 24, công khai chuyển 6 huyện ngoại thành sang khoán sản phẩm, bỏ khoán việc. Đây là một trong những nền tảng quan trọng góp phần để ngày 13 – 1- 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, chính thức công nhận khoán sản phẩm. Chỉ thị này cho phép áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước, thường được gọi tắt là Khoán sản phẩm, hay khoán 100. Và ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra nghị quyết số 10 về “Đổi mới quản lý nông nghiệp”. Khoán 10 ra đời, thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, chính thức khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của đồng đất Việt Nam và phát huy sự sáng tạo của nông dân Việt Nam. Đây chính là tiền đề để cùng với các cơ chế, chính sách sau này mang lại sự đổi thay toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam, để không chỉ có hạt gạo mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của các vùng miền trên cả nước có vị thế vững chãi trên thị trường thế giới như cà phê, hạt điều, các loại trái cây; nông sản; thủy hải sản…Trong đó có nhiều sản phẩm thương hiệu Lâm Đồng như hoa, cà phê, chè, rau tươi, Atiso...

Chính từ manh dạn đổi mới đi đầu về cơ chế đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, Lâm Đồng đã thu được những kết quả tích cực: Đứng đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 43 nghìn ha, chiếm gần 16% diện tích đất nông nghiệp; Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; Năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng bình quân từ 25 – 30%, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với doanh thu; Tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch ngạch xuất khẩu của Tỉnh...

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 41,3 tỷ USD; có 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Năm 2020, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 42 tỷ USD và qua 7 tháng đã có có 6 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đứng đầu là sản phẩm gỗ với trên 6.5 tỷ USD, gạo đạt 1,9 tỷ USD…

Rõ ràng, khi có cơ chế chính sách phù hợp thì nông thôn, nông nghiệp Việt Nam bật dậy; nông dân Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, điều kiện sống tiệm cận nhiều hơn với các đô thị. Mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đang tới rất gần…

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202008/nong-san-viet-nam-toa-sang-3019802/