Nông sản Việt rộng cửa xuất khẩu vào các thị trường lớn
Tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 5,14 tỷ USD, tăng (79,2%) so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu nông sản ngay từ những ngày đầu năm.
Cơ hội từ các thị trường lớn
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, xuất khẩu thủy sản tháng 1 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, như tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%...
Các thị trường chủ lực cũng tăng trưởng mạnh như Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) với mức tăng gấp hơn 3 lần và trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật, Mỹ tăng 63%; sang Nhật Bản tăng 43%; sang châu Âu (EU) tăng 34%...
Xuất khẩu mặt hàng rau quả cũng tiếp tục tăng trưởng khả quan. Ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam khi tăng tới 121% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu cá tra của Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp khi cơ quan chức năng tại Mỹ và Liên minh châu Âu có các biện pháp hạn chế mới đối với thủy hải sản có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc.
Cụ thể, trong tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu diện rộng đối với cá hồi, cá tuyết, cua, cá minh thái cũng như các loại cá và hải sản khác có nguồn gốc từ Nga. Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Nga.
Đồng thời, Hội đồng châu Âu đã quyết định không cho phép các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nga được hưởng ưu đãi miễn thuế trong giai đoạn 2024-2026. Chưa kể, hồi tháng 11/2023, EU cũng quyết định tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc để kiểm soát hoạt động đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Những động thái trên có thể mở rộng cửa hơn cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra phi lê, tại thị trường Mỹ và EU. Bởi, số liệu tổng kết cho thấy, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU trong tháng 12/2023 đã tăng 23% so với tháng 11/2023.
Thúc đẩy bình đẳng trong thương mại nông sản
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được tổ chức từ 26 - 29/2/2024 tại Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự Phiên họp Bộ trưởng các nước xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns) cho biết, theo đánh giá của các quốc gia, các cuộc đàm phán nông nghiệp đang ở giai đoạn quan trọng.
Trong số các vấn đề mà WTO đang thúc đẩy đàm phán, nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất và việc cải cách thương mại nông nghiệp được xem là “sức khỏe” của hệ thống thương mại đa phương, cũng như của quá trình xây dựng các quy tắc thương mại của toàn cầu trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp trong việc bảo đảm an sinh, an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một nền nông nghiệp tăng trưởng tốt và thương mại nông sản phát triển lành mạnh sẽ bảo đảm sự vững chắc của nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng những kết quả mà các thành viên WTO đạt được trong việc cải cách các quy định về nông nghiệp thời gian qua vẫn còn rất khiêm tốn và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như những hỗ trợ trong nước đã bóp méo thương mại, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế và cạnh tranh xuất khẩu không công bằng.
Cùng đó, đại diện Bộ Công Thương kỳ vọng, cuộc họp của nhóm Cairns (19 nước xuất khẩu nông sản) có nhiều kết quả thực chất hơn, góp phần thúc đẩy thương mại nông sản công bằng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, với những cam kết của nhóm Cairns, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Nhóm Cairns được thành lập vào năm 1986 tại Cairns (Australia), với mục tiêu vận động hành lang và triển khai các hoạt động thúc đẩy tự do hóa thương mại nông nghiệp. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm Cairns từ năm 2013.