Nóng trong tuần: Hợp tác GD Việt Nam-Australia, thông tin thi tốt nghiệp THPT
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia, ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024… là 2 trong số những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia
Từ 5-11/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia
Đoàn đại biểu đồng thời thăm chính thức Australia, thăm chính thức New Zealand. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham gia đoàn và có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi tiếp Giáo sư Alec Cameron, Hiệu trưởng Đại học RMIT.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo các bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự lễ cắt băng khai trương Viện Chính sách Việt Nam - Australia tại Đại học RMIT, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia và chứng kiến trao ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Tại Australia, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã có cuộc gặp và trao đổi với Bộ trưởng Bộ Đào tạo và Kỹ năng Australia, ngài Brendan O'Connor.
Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng chia sẻ, trao đổi các đề xuất hợp tác cụ thể như: Khuyến khích có thêm các trường đại học của Australia hợp tác với các trường đại học Việt Nam hoặc mở phân hiệu tại Việt Nam; các trường đại học Australia mở rộng liên kết đào tạo với Việt Nam về các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, STEM - đây là nhóm nhân lực Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn trong thời gian sắp tới;
Australia hỗ trợ tiếp nhận và đào tạo giảng viên đại học trình độ tiến sĩ cho Việt Nam; mở rộng thêm chính sách học bổng cho học sinh Việt Nam; đề xuất giai đoạn tiếp theo cho chương trình Aus4Skills…
Sáng 8/3, tại thủ đô Canberra, trong chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Đại học Quốc gia Australia, tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia được tổ chức tại đây.
Diễn đàn được tổ chức tại Đại học Quốc gia Australia, do Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức.
Cùng tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Australia Anthony Chisholm, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương của Việt Nam và hơn 30 cơ sở giáo dục đại học Australia và Việt Nam.
Tại diễn đàn, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng; trong đó khẳng định Việt Nam chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đưa ra những định hướng hợp tác trọng tâm thời gian tới về giáo dục – đào tạo giữa hai nước.
Ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành; thông tin về việc tổ chức thi cho thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp năm 2024; ban hành quy định về cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thông tin giáo dục được quan tâm tuần qua.
Theo Quy chế mới ban hành, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, quy định rõ các môn thi trong quy chế thi để thí sinh thuận lợi hơn trong công tác đăng ký. Để bảo đảm chế độ ưu tiên cho thí sinh tránh bị nhầm lẫn trong quá trình đăng ký thi, các đơn vị đăng ký dự thi có trách nhiệm tra cứu thông tin từ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh; yêu cầu thí sinh có trách nhiệm bảo mật thông tin về tài khoản và mật khẩu.
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của thí sinh trong Kỳ thi. Ngoài quy định các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi để phục vụ cho việc làm bài thi, thì điểm mới là bổ sung quy định cụ thể các vật dụng thí sinh bị cấm đem vào phòng thi. Các quy định đối với thí sinh chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp (thí sinh tự do).
Về mặt nghiệp vụ chuyên môn công tác ra đề thi, bổ sung thêm các yêu cầu đối với khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách trong Kỳ thi. Trong đó, làm rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với đề thi để thí sinh và các bên tham gia quá trình tổ chức thi nắm rõ và không vi phạm theo quy định bí mật nhà nước.
Đồng thời, quy định cụ thể trong quy chế các vòng của khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách và nhiệm vụ của các vòng để bảo đảm phù hợp với quá trình triển khai của các cá nhân và đơn vị tham gia tổ chức thi.
Quy chế cũng bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm để tạo sự công bằng cho thí sinh dự thi và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận đến nay…
Trước đó, ngày 4/3, Bộ GD&ĐT phát đi thông tin liên quan đến việc thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024.
Cụ thể, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Cũng liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 8/3, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cụ thể, về cấu trúc, đề Ngữ văn theo hình thức tự luận, thi trong thời gian 120 phút, gồm hai phần Đọc hiểu và Viết.
Các môn còn lại, hình thức thi là trắc nghiệm với ba phần. Phần I gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm với 4 phương án; yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng. Thí sinh được 0,25 điểm nếu làm đúng mỗi câu.
Phần II gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Chọn chính xác, thí sinh sẽ được 0,1 điểm một câu; 0,25 điểm nếu đúng hai câu; 0,5 và 1 điểm nếu làm đúng 3 và 4 câu.
Phần III gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Với môn Toán, mỗi câu đúng, thí sinh được 0,5 điểm; các môn khác là 0,25 điểm.
Dừng tuyển sinh khối THCS trong trường THPT chuyên
Việc dừng hay tiếp tục tuyển sinh khối THCS tại Trường THPT Chuyên Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) thu hút rất nhiều sự quan tâm trong tuần qua.
Về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Luật Giáo dục 2005 đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019. Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào.
Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử để lại, hiện vẫn có hai trường là Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) và Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam tồn tại khối THCS không chuyên.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Và đương nhiên, các lớp THCS không chuyên trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh.
Thông tư trên ban hành 1 năm, nhưng mùa tuyển sinh đầu cấp năm trước các lớp không chuyên vẫn được thực hiện, bởi quy định nêu trong Thông tư thực hiện từ năm học tới.
Việc duy trì hay ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, theo ông Nguyễn Xuân Thành, không phải là việc Bộ GD&ĐT muốn cho phép hay không cho phép mà quy định đã ban hành có hiệu lực thì phải thực thi.
“Việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao. Trên thực tế, có một số học sinh đỗ cao trong các kỳ thi, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực chỉ học ở các trường bình thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển”, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh đầu cấp, gồm tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 để báo cáo UBND thành phố trên tinh thần chấp hành nghiêm quy định của Bộ GD&ĐT.
Sở này cũng đang nghiên cứu tham mưu thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong công tác tuyển sinh vào các trường THPT chuyên trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và bảo đảm chất lượng công tác đào tạo mũi nhọn của Thủ đô.