'Nốt trầm' của ngành thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp vẫn hy vọng những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn, đơn hàng nhiều hơn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ nguồn vốn và các nguồn lực khôi phục sản xuất.

Dự báo khó khăn của ngành thủy sản sẽ tiếp diễn sang cả quý III/2023. Ảnh: Quang Vinh.

Dự báo khó khăn của ngành thủy sản sẽ tiếp diễn sang cả quý III/2023. Ảnh: Quang Vinh.

Đơn hàng sụt giảm

Theo VASEP, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 3,47 tỷ USD, giảm đến 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam như: châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm mạnh, nhất là nhu cầu hải sản tươi sống. Trong đó, Hoa Kỳ giảm tới hơn 50%, Trung Quốc giảm 37%.

Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD ; trong đó, tôm chân trắng chiếm 74% đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 36%, tôm sú chiếm 15% đạt 180 triệu USD, giảm 29%. Xuất khẩu tôm hùm và các loài tôm biển khác chiếm 11% đạt 134 triệu USD, giảm 41%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 - 50%; trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt 44% và 49%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 25%. Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 841 triệu USD

Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, chia sẻ năm 2023 là một “nốt trầm” của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia...

Cũng theo Chủ tịch VASEP, là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh lạm phát cao đã khiến nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay đổi. Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường. "Vị thế trên đường đua bị “đe dọa” khi các nước sản xuất thủy sản khác đang nổi lên mạnh mẽ, từng bước chiếm vị thế cạnh tranh bằng nguồn cung lớn, giá thành rẻ hơn và bằng sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ các nước" - bà Sắc cảnh báo.

Chưa thể phục hồi ngay

Ghi nhận từ các doanh nghiệp (DN) trong ngành thủy sản ở thời điểm này đều đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm do sức cầu từ các thị trường lớn, thị trường truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Dự báo thủy sản xuất khẩu sẽ còn tiếp tục khó khăn và các DN đang phải cắt giảm giờ làm để duy trì hoạt động. Thực tế từ cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu suy giảm và cho đến những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở tất cả các thị trường và tất cả các mặt hàng; trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm. Nửa đầu năm 2023, nhu cầu thị trường tiếp tục suy yếu, nguồn cung vượt cầu.

“Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III. Khó khăn kéo dài, do đó chưa có cơ sở để chắc chắn mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD năm 2023 có đạt hay không và cũng khó để dự báo trước cho giai đoạn 2023 – 2024” – Chủ tịch VASEP nhận định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cũng nhận định, hiện nay lạm phát trong nước, các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu hủy, hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng. DN thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân.

"Cả DN và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành trong thời gian tới, DN khát nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Từ những thách thức trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến cáo, từ nay đến cuối năm 2023, các DN cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các DN trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Quan trọng hơn, các DN áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, chủ động phòng chống các rào cản kỹ thuật.

Theo VASEP, mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 cố gắng duy trì mức 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,9 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỷ USD.

K.Lê - M.Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/not-tram-cua-nganh-thuy-san-5720642.html