NSND Dương Minh Đức: Tôi thi vào trường nhạc như người 'điếc không sợ súng'
NSND Dương Minh Đức nói vui, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam như kẻ 'điếc không sợ súng', chưa từng biết đến cây đàn piano. Để có được những gì như ngày hôm nay, là cả chặng đường nỗ lực, cố gắng.
Nụ cười tươi, giọng nói vang, đầy “nội lực”, sự say mê nói về nghề… trong câu chuyện, khiến tôi thấy NSND Dương Minh Đức thật trẻ. Ông đã kể cho tôi nghe về con đường đến với âm nhạc thú vị của mình và những trăn trở của một người thầy tâm huyết với việc đào tạo thế hệ trẻ.
Thấm tình yêu nghệ thuật từ người cha
NSND Dương Minh Đức chia sẻ, ông quê gốc ở Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nhưng ông sinh ra ở Sài Gòn. Ông nội ông là công chức ngành hỏa xa, khi được điều “Trưởng ga Sài Gòn”, cụ đã đưa cả nhà “Nam tiến”.
Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, bố của ông là NSƯT Dương Minh Đẩu đã tham gia kháng chiến, là chính trị viên của Trung đoàn 82 Nam Trung Bộ. Ba mẹ ông gặp nhau ở Chiến khu Nam Trung bộ, mẹ của ông vốn là một nữ sinh Sài Gòn, lúc đó làm y tá trong đơn vị.
Năm 1949, mẹ của ông bí mật ở về Sài Gòn sinh ông, sau đó, gửi con ở lại cho ông bà nội chăm sóc, rồi lại trở về chiến khu hoạt động cách mạng. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ba mẹ của ông tập kết ra Bắc. Sau đó một năm, khi tròn 6 tuổi, ông mới được về Hà Nội đoàn tụ với bố mẹ.
Bắt đầu từ đây, ông được tiếp xúc, sống trong môi trường nghệ thuật. Cha của ông, NSƯT Dương Minh Đẩu là đạo diễn, làm giám đốc Xưởng phim Quân đội đã rèn giũa con trai rất nghiêm khắc theo kỷ luật quân đội, nhưng cũng đã cho con tình yêu đối với nghệ thuật.
Thường xuyên theo cha đến xưởng phim, trong lòng cậu bé Dương Minh Đức lúc đó đã nhen nhóm lên niềm cảm hứng với âm nhạc qua những thước phim, những bản nhạc phim hùng tráng. Thế nhưng, chặng đường đến với âm nhạc của ông lại theo “đường vòng”.
Lên cấp 2, ông học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1969, ông thi đỗ vào ngành Chế tạo máy của Đại học Kỹ thuật quân sự.
Học ngành kỹ thuật, nhưng niềm đam mê hát vẫn cháy bỏng trong ông. Ông tích cực tham gia hoạt động văn nghệ của Trường và với giọng hát trời cho, tại Hội diễn Toàn quân lần thứ nhất năm 1972, chàng sinh viên Dương Minh Đức đã giành ngay Huy chương Vàng với ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Tốt nghiệp đại học, những tưởng ông sẽ là một kỹ sư của ngành Chế tạo máy, nhưng cơ duyên đã “run rủi” ông rẽ sang một con đường hoàn toàn khác.
Thi vào trường nhạc là do có người “xui”
NSND Dương Minh Đức kể về pha đi thi vào trường âm nhạc đầy “kịch tính”: “Tôi đi thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay đổi là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) là do có người “xui”, vì thấy tiếc giọng hát của tôi. Lúc đó tôi quả thực như người “điếc không sợ súng”, còn chưa biết cái đàn piano là gì, vì đã được tiếp xúc bao giờ đâu. Trong khi hát thì phải có đàn, thế là tôi được dẫn tới chỗ người đệm đàn.
Tôi không biết người ta đánh đàn thế nào, chỉ biết là bài hát thì phải có nhạc dạo đầu, sau nhạc dạo thì vào luôn. Khi thi phần Xướng âm, cũng là từ “học lỏm”, thấy người ta xướng thế nào thì mình bắt chước. Vào thi cũng có chỗ sai, nhưng vẫn được các thầy đánh giá là học nhanh. Không ngờ, kỳ thi đó tôi đỗ đầu”.
Lẽ ra, để thi vào Trường Âm nhạc lúc đó thì phải học qua trung cấp, trường hợp của ông là “đặc cách”, do được các thầy đánh giá: “Hát quá hay, có được giọng hát đó rất quý”. Sau đó, nhà trường quyết định cho ông học 1 năm dự bị, rồi mới được vào học chính thức.
Được vào học trường nhạc, chàng sinh viên Dương Minh Đức đã như “cá gặp nước”, thỏa sức phát triển niềm đam mê của mình và liên tiếp gặt hái những thành công.
Năm 1980, khi đang là sinh viên trường Nhạc viện, NSND Dương Minh Đức tham dự “Cuộc thi Tiếng hát chuyên nghiệp Toàn quốc” và đoạt Huy chương Vàng với ca khúc “Chiều trên bến cảng” nổi tiếng. Sau đó, ông sang Sochi Liên Xô tham gia cuộc thi “Hoa cẩm chướng đỏ” và đoạt giải 3.
Hạnh phúc khi được làm nghề thầy
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông làm tới chức vụ phó Hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa Thanh nhạc cho tới khi nghỉ hưu.
Cả tuổi trẻ, thanh xuân cống hiến cho nghệ thuật, giọng hát của ông được ví như viên ngọc của nền âm nhạc Việt Nam, gặt hái nhiều giải thưởng, thế nhưng, NSND Dương Minh Đức chia sẻ, niềm hạnh phúc nhất của ông là được làm nghề giáo, chứng kiến những thành công, sự trưởng thành của những học trò.
“Cho đến thời điểm này, nếu nói về tự hào thì có lẽ không dám, nhưng thực sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi những học trò của tôi giờ là NSƯT, NSND, giữ những trọng trách trong ngành”, ông Đức chia sẻ.
Từ khi về hưu, ông vẫn tiếp tục với công việc đào tạo những thế hệ kế cận, làm giám khảo, công việc bận rộn hầu như không lúc nào ngơi nghỉ. Điều ông đau đáu, là làm sao để các em nhỏ được phát hiện, định hướng và bồi dưỡng năng khiếu, không bị bỏ phí tài năng.
“Làm giám khảo các sân chơi âm nhạc, tôi thấy, nhiều em nhỏ rất có tài năng. Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều em giỏi quá, hát hay quá, trong đó có những em tuổi còn rất nhỏ. Một trong những điều tôi trăn trở nhất hiện nay, là làm sao có những nơi đào tạo nâng cao, để những tài năng này phát triển. Hiện, chúng ta vẫn thiếu những nơi vui chơi cho các em, nhất là về nghệ thuật”, ông Đức chia sẻ.