NSND Lê Khanh không cho phép mình nghỉ hưu

Nhận quyết định nghỉ hưu sau 40 năm công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Lê Khanh vẫn bám sàn diễn với nỗ lực mang đến khán giả những cảm nhận về sự thể nghiệm mới mẻ của chị đối với sân khấu kịch nói.

Tối 24-2, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội - L’Espace, NSND Lê Khanh đã xuất hiện trong vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" do đạo diễn Trần Lực dàn dựng. Đây là kiệt tác đầu tay của nhà viết kịch Pháp đại tài Eugène Ionesco

NSND Lê Khanh trong vở kịch thể nghiệm "Nữ ca sĩ hói đầu"

NSND Lê Khanh trong vở kịch thể nghiệm "Nữ ca sĩ hói đầu"

NSND Lê Khanh tâm sự: "Tôi đã chính thức nghỉ hưu ở Nhà hát Tuổi Trẻ cách đây không lâu. Nhưng là một nghệ sĩ, tôi chưa bao giờ cho phép mình nghỉ hưu. Khi anh Trần Lực mời tham gia sân khấu kịch xã hội hóa, nơi anh tiên phong tự bỏ tiền túi ra làm kịch, tôi đã nhận lời và cùng với các bạn đồng nghiệp góp phần mang lại những thể nghiệm mới trong diễn xuất. Sân khấu mang tên "Luc Team" của anh đã nối tiếp thành công sau hai tác phẩm được đông đảo khán giả ủng hộ nhiệt thành là "Quẫn" (tác giả Lộng Chương) và "Cơn ghen của Lọ Lem" (tác giả Molìere). Tôi rất thích thú với sàn diễn này và trông chờ từng suất diễn để được gặp gỡ khán giả".

NSND Lê Khanh và nhà lý luận phê bình sân khấu - PGS Nguyễn Thị Minh Thái

NSND Lê Khanh và nhà lý luận phê bình sân khấu - PGS Nguyễn Thị Minh Thái

NSND Lê Khanh càng bất ngờ hơn khi có rất đông khán giả đến xem và cổ vũ "Nữ ca sĩ hói đầu". "Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử kịch nói Việt Nam, kịch phi lý được dàn dựng trên sân khấu L'Espace. "Nữ ca sĩ hói đầu" là một kiệt tác từng làm mưa làm gió tại các sân khấu lớn trên thế giới gần 70 năm qua. Đây là lần đầu tiên vở kịch ra mắt công chúng Việt Nam, dưới bàn tay của đạo diễn Trần Lực. Cần phải nói thêm, tác phẩm này là "đứa con đầu lòng" của nhà viết kịch lừng danh Eugène Ionesco và đây là một vở kịch phi lý" - NSND Lê Khanh cho biết.

Không chỉ khán giả, mà ngay đến diễn viên của vở diễn đã rất căng thẳng để suy nghĩ về những mẫu đối thoại không đầu, không đuôi nhưng luôn gợi mở những suy nghĩ về cuộc sống. Đạo diễn đã lồng ghép vào kịch rất nhiều thời sự của xã hội Việt Nam đương đại.

NSND Lê Khanh và NSƯT Trần Lực

NSND Lê Khanh và NSƯT Trần Lực

Chia sẻ về việc học thoại, NSND Lê Khanh giải thích: "Tôi đã có một thử thách đáng sợ khi hóa thân vào nhân vật. Để diễn được thì phải mất hơn 6 tháng để tập dợt vở này. Không như các vở kịch trước đây, thời gian tập rất căng, vì nếu học vẹt thì những đoạn thoại sẽ không kết dính với bạn diễn nên ai cũng đặt tinh thần cao độ trong vở diễn này".

NSND Lê Khanh và các diễn viên trong vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" cảm ơn khán giả sau suất diễn

NSND Lê Khanh và các diễn viên trong vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" cảm ơn khán giả sau suất diễn

Khán giả đã cổ vũ và cười vui theo những tình huống kịch, bởi chính sự rời rạc, không thống nhất của câu chuyện, nhất là nhân vật của NSND Lê Khanh, đã làm nên một vở kịch ý nhị và dễ thương. Khán giả Hà Nội đã bày tỏ niềm vui khi biết NSND Lê Khanh vẫn bám sàn diễn, vẫn đem lại cảm xúc cho người xem qua sự thể nghiệm táo bạo của chị.

"Tôi vẫn miệt mài với sàn diễn và anh Trần Lực đã cho tôi thêm những động lực mới để gắn mình với dòng kịch thể nghiệm. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ không muốn mình nghỉ hưu" – NSND Lê Khanh bộc bạch.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nsnd-le-khanh-khong-cho-phep-minh-nghi-huu-20190225090817807.htm