NSND Quang Thọ và tiếng hát vút lên từ lòng đất

Nhắc tới NSND Quang Thọ, nhiều người nhớ tới một 'tượng đài', 'cây đại thụ' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Từ tiếng hát vút cao vượt khỏi những hầm than hun hút, đi qua năm tháng chiến tranh, NSND Quang Thọ cất giọng hào sảng bên những ca sĩ opera hàng đầu thế giới.

Ở tuổi 73, mỗi lần hát, ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc như khi còn là chàng thợ mỏ.

NSND Quang Thọ

NSND Quang Thọ

Những buổi diễn đặc biệt dưới hầm lò

Những ngày tháng Tư, NSND Quang Thọ dường như bận rộn hơn, liên tục đi show khắp các tỉnh thành.

Vừa trở về từ chuyến công tác 3 ngày ở Quảng Ninh, ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng ký ức về một thời trai trẻ nơi đất Mỏ hào hùng.

Năm 1964, chàng thiếu niên Quang Thọ khi ấy mới 16 tuổi nhưng… khai gian 2 tuổi để đi làm công nhân ở mỏ than Cọc Sáu. Với giọng hát trời phú, Quang Thọ nhanh chóng được đưa vào đội văn nghệ, trở thành “hạt giống” trong phong trào văn nghệ quần chúng vùng mỏ.

“Sân khấu khi ấy là những hầm mỏ, phân xưởng, công trường. Hầm lò được đào rất sâu trong lòng đất, chật chội, thiếu dưỡng khí. Ấy thế nhưng mọi người vẫn hăm hở vác guitar, arcordion chui vào”, ông kể.

Mà khán giả là ai? Là nhóm 4 - 5 người thợ lò, mặt mũi, áo quần lấm lem, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười và tinh thần vẫn sôi nổi. Sân khấu dã chiến trong lòng đất không có bóng điện, tối tăm. Khán giả chỉ có thể nhìn các “nghệ sĩ” qua ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn lò.

Thời đó không có khái niệm “nghệ sĩ/ca sĩ” như bây giờ. Ai thực sự nổi tiếng mới được gọi là danh ca. Do đó, tiếng hát của ông chỉ là tiếng hát của người thợ mỏ.

Ông kể, trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, có nhiều buổi diễn khiến ông không thể nào quên cho đến hết cuộc đời. Trong số đó, đáng nhớ nhất là sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Đúng 17h ngày 5/8/1964, Quang Thọ đang cùng anh em biểu diễn ở một đồi pháo thì bất ngờ có tiếng còi báo động vang lên. Đó là lần đầu tiên, không quân Mỹ xuất hiện ở miền Bắc. Mọi người nhanh chóng nhảy xuống giao thông hào.

Vốn tò mò, Quang Thọ ngoái đầu nhìn phía trong rừng thì thấy một chiếc máy bay sà xuống ngay trên đầu, rồi lao xuống vịnh Bái Tử Long. 5 phút sau, một chiếc máy bay khác tiếp tục lao xuống. Quân ta bắt gọn 2 phi công của địch.

“Đó là buổi diễn bị ngắt quãng tôi không bao giờ quên. Biết tôi chứng kiến sự việc, tối đó, người dân còn kéo lên hỏi han, tò mò xem máy bay thế nào, bị bắn ra sao”, ông nhớ lại.

Sau sự kiện đó là những ngày đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc điên cuồng. Những buổi biểu diễn văn nghệ trở nên khó khăn hơn, không thể tổ chức trên mặt đất.

Dù vậy, Quang Thọ cùng các đồng nghiệp không nề hà. Bất chấp những hầm lò nóng bức, tối tăm, thiếu không khí, tiếng hát chay mộc mạc của ông vẫn vang lên, khích lệ tinh thần người thợ mỏ.

Chính những trải nghiệm khi còn là thợ mỏ, hát giữa hầm lò, Quang Thọ đồng cảm, thể hiện thành công nhiều ca khúc về vùng mỏ như: “Những ngôi sao ca đêm” (Phạm Tuyên), “Tôi là người thợ lò” (Hoàng Vân), “Nhịp máy khoan” (Trọng Bằng).

Và rồi, giọng hát của chàng thợ mỏ Quang Thọ đã vượt khỏi ranh giới Quảng Ninh.

Đầu năm 1967, ông đại diện vùng Mỏ tham gia Liên hoan trên sóng phát thanh tại Hà Nội, được bước chân vào “thánh đường” Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó, ông trở thành người đầu tiên được mời thu thanh ca khúc “Nhịp máy khoan” tại Đài tiếng nói Việt Nam.

Tiếng hát đi cùng năm tháng

NSND Quang Thọ được coi là “tượng đài”, “cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

NSND Quang Thọ được coi là “tượng đài”, “cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều nghệ sĩ thời đó như: Trung Đức, Thu Hiền, Thanh Hoa… đều đi theo tiếng gọi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mang theo vũ khí là tiếng hát.

Quang Thọ không là ngoại lệ. Năm 1971, chàng thanh niên cùng đoàn văn công 12 người rời đất Mỏ, lên đường vào Trường Sơn. Hành trang của ông và đồng đội ngoài chiếc balo con cóc, trên vai là khẩu AK, còn có cây đàn guitar, loa, amply… để phục vụ những buổi văn nghệ giữa chiến trường.

Việc đầu tiên của ông và các chiến sĩ mỗi khi dừng chân là phải đào hố cá nhân ngay dưới chỗ nằm. Có buổi tối, đoàn “chạy sô” nhiều địa điểm, vừa rời chỗ này đi biểu diễn chỗ khác thì B52 đã đến rải thảm ở nơi mà ông và đồng đội vừa cất cao tiếng hát.

Hồi tưởng sự tàn khốc của chiến tranh, ông xúc động: “Ranh giới sống - chết quá mong manh. Đoàn Quảng Ninh may mắn không ai làm sao nhưng những đoàn còn lại đều có người hy sinh”.

Ông chia sẻ, chính những năm tháng được phục vụ ở chiến trường, hay trước đó là giữa những hầm lò đã hun đúc nên bản lĩnh và phong cách của mình.

Những cảm xúc, tâm tình, trải nghiệm được ông “thổi hồn” vào các ca khúc kinh điển như: “Sông Lô” (Văn Cao), “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), “Tình ca” (Hoàng Việt), “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp)...

Tận tâm với sự nghiệp “trồng người”

Giờ đây, nhắc tới NSND Quang Thọ, nhiều người nhớ tới một “tượng đài”, “cây đại thụ” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhưng không chỉ có vậy. Ông còn là người thầy, thậm chí như một người cha nâng đỡ tinh thần của nhiều thế hệ ca sĩ tại Nhạc viện Hà Nội.

Trong đó có những gương mặt nổi tiếng như: Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Mỹ Linh, Khánh Linh… Học trò của ông đều là những người có tài năng, đạo đức.

Ca sĩ Khánh Linh từng chia sẻ, Quang Thọ là người thầy đã “cứu vớt” sự nghiệp của cô. Ông dang tay đón nhận cô khi cô đang ở những tháng ngày bấp bênh nhất của cuộc đời.

Ở vai trò người thầy, không chỉ dạy các thế hệ về thanh nhạc, kiến thức, NSND Quang Thọ còn rèn rũa các trò về về tư chất của người ca sĩ.

“Điều quý giá nhất của người thầy là chứng kiến các học trò sau khi tốt nghiệp đã trở thành đồng nghiệp. Khi đứng chung sân khấu với học trò, tôi tự hào khi thấy mình đã có những người kế nghiệp”, ông chia sẻ.

Ở tuổi 73, hàng ngày, ông vẫn tích cực tập thể dục thể thao, thu âm, dạy nhạc. Điều đó góp phần giúp ông giữ được giọng hát vang, khỏe.

Trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, các show diễn bị hủy bỏ, ông vẫn không ngừng sáng tạo, biên soạn và hoàn thành một bộ giáo trình điện tử Thanh nhạc thế giới và Việt Nam, chuẩn bị công bố trong thời gian tới. “Đây sẽ là tài liệu quý dành cho các thế hệ ca sĩ ở Việt Nam”, ông tiết lộ.

NSND Quang Thọ sinh năm 1948 tại Quảng Ninh. Năm 1971, ông có mặt trong đoàn văn nghệ xung kích của vùng mỏ đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ chiến đấu chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia.

Năm 1972, ông được cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội, sau đó là nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 1987 ông trở thành giảng viên Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội.

Ông được phong NSƯT năm 1993, NSND năm 2001; là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội từ năm 2000, nghỉ hưu năm 2008. Vợ chồng ông có hai con trai, hiện đều đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nsnd-quang-tho-va-tieng-hat-vut-len-tu-long-dat-d550628.html