NSƯT Phương Hồng Thủy tiếp sức cho 'Sân khấu học đường'
Đề án 'Sân khấu học đường' ngoài việc tạo một sân chơi bổ ích, còn giúp các em học sinh hiểu và yêu nghệ thuật dân tộc.
Sáng 4-11, NSƯT Phương Hồng Thủy và các diễn viên, ca sĩ Sân khấu Lạc Long Quân đã biểu diễn chương trình "Sân khấu học đường" năm 2024 tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP HCM.
Chia sẻ về việc thực hiện "Đề án sân khấu học đường" trên địa bàn TP HCM, NSƯT Phương Hồng Thủy cho biết, học sinh xem các tiết mục văn học được chuyển thể qua sân khấu là thấy cả một không gian văn học, lịch sử... tái hiện lên trước mắt.
"Hoạt động này đem lại cho học sinh cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, lạc quan để học tập, tiếp thu tốt hơn và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông. Tôi rất vui khi được tham dự chương trình ý nghĩa này trong lần về thăm quê hương" - NSƯT Phương Hồng Thủy nói.
Nghệ sĩ Ngọc Trang (Sân khấu Lạc Long Quân) chia sẻ, ban đầu, các trường cũng khá e ngại, không biết đưa các hoạt động sân khấu hóa các tác phẩm văn học vào trường có hợp không. Thế nhưng, thực tế cho thấy các em học sinh rất thích, tương tác rất sôi động. Sau khi xem vở diễn "Chuyện nhà nàng Hến", nhiều em học sinh yêu mến các nhân vật từ câu chuyện dân gian đã mạnh dạn bước lên sân khấu để giao lưu ...
"Vì vậy, việc phát triển "Đề án sân khấu học đường" do Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM triển khai là một hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực trong việc giáo dục, bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, góp thêm một phương pháp hữu hiệu cho việc dạy văn học, lịch sử đối với các em học sinh" - nghệ sĩ Ngọc Trang bày tỏ.
Câu chuyện nghệ sĩ tham gia "Sân khấu học đường" không chỉ dừng lại ở mức độ phong trào mà đang dần trở nên chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản. Qua đó, các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả học sinh những trải nghiệm mới từ biểu cảm, ngôn ngữ âm nhạc đến diễn xuất trên sân khấu. Tất cả đã tạo nên một sân khấu sôi động, hấp dẫn khán giả học sinh niềm yêu thích văn học và sử Việt.
Biên kịch Phạm Thị Ngọc Bích - người cảm tác kịch bản "Chuyện nhà nàng Hến" cho rằng: "Dự án "Sân khấu học đường" không chỉ là vở diễn, mà đó là một dự án học tập, tiếp cận nghệ thuật để các em học sinh yêu sân khấu nhiều hơn, yêu và hiểu về sử Việt".
Không chỉ có sự tham gia của những người trẻ, sân khấu học đường còn đang nhận được sự đồng hành của các nghệ sĩ. Nằm trong đề án "Sân khấu học đường", thời gian qua, Sân khấu Lạc Long Quân đã tồn tại 12 năm, đã tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật phục vụ đối tượng khán giả là các học sinh trên địa bàn TP HCM và TP Thủ Đức.
NSƯT Phương Hồng Thủy bộc bạch: "Mong rằng chương trình "Sân khấu học đường" tại TP HCM sẽ tiếp tục được đầu tư để có thêm nhiều tác phẩm sử Việt, văn học, thơ ca gửi đến các em học sinh, các khán giả trẻ. Tôi sẽ tích cực tham gia chương trình này để tiếp sức cho "Sân khấu học đường" ngày càng phát triển".