NSƯT Trần Đức: 'Một năm lên sóng 1-2 lần chứ không ham hố phim nào cũng đi'

'Khán giả cũng đã ý kiến là một dấu hiệu để các đạo diễn truyền hình cần cân nhắc lựa chọn nhân vật, gương mặt mới. Chứ cũng không cần thử thách họ nữa đâu, kiểu vai này phim này hiền rồi thì sau ác cho đổi mới,...', NSƯT Trần Đức chia sẻ.

- Trở lại trong "Biệt dược đen", khán giả nhận ra là khá lâu rồi NSƯT Trần Đức mới xuất hiện với dạng vai đại gia giang hồ. Cảm nhận của ông thế nào?

Đúng là từ sau: Chạy án, Giọt nước rơi, Đầm lầy bạc,... thì đến "Biệt dược đen" tôi mới đóng lại dạng vai có tiền có quyền. Dù chỉ là tuyến phụ xuất hiện trong 5 tập nhưng tôi cũng mất nửa tháng để tham gia cùng đoàn phim. Điều khiến tôi hài lòng ở lần tái xuất giang hồ này là dù vai ngắn song đây vẫn là một nhân vật có số phận, có câu chuyện, xung đột và sự trả giá.

Tuy nhiên tôi vẫn tiếc một chút là nếu có thể kéo dài số phận của nhân vật này thêm 2-3 tập để làm kỹ hơn về việc làm ăn phi pháp của ông Hoàng cũng như tình cảm ông ta dành cho đứa con gái duy nhất thì sẽ hấp dẫn hơn. Như thế thì đến khi ông ta chết, khán giả có thể cảm thấy vừa đáng đời nhưng cũng vừa tiếc vừa thương.

- Dù chỉ là vai ngắn xuất hiện 5-6 tập nhưng vị đại gia nghìn tỷ này đã kịp “đánh" 2 bạn diễn (NS Hoàng Xuân vai vợ và Hoàng Anh Vũ - con rể hờ)!

Hai cái tát là 2 trạng thái cảm xúc khác nhau. Với cảnh tát vợ - bà Nga do Hoàng Xuân đóng, thú thực là gần đây tôi tham gia chương trình bình đẳng giới nên thú thật ban đầu tôi cũng băn khoăn vì bạo lực gia đình nhưng sau khi trao đổi với đạo diễn tôi thấy tình tiết này rất hợp lý và nên làm. Bởi như thế mới đủ và phù hợp cho những diễn biến phim tiếp theo, đó là sự nghi ngờ của cảnh sát rằng bà Nga có liên quan đến cái chết của chồng.

Cũng sau phân cảnh này, tôi xin đạo diễn để ông Hoàng âm thầm khóc bên cầu thang vì nỗi lòng thương con. Ông quát đánh mắng vợ cũng ở cầu thang đó nhưng sâu thẳm vẫn còn tình yêu dành cho con gái duy nhất. Nghĩa là ẩn sau sự máu lạnh của nhân vật này vẫn có góc khuất tính người, đó là tình phụ tử.

Vì thương con nên cảnh tát Cường (Hoàng Anh Vũ) ở tập trước đó cũng dễ hiểu hơn. Ông ta hận Cường vì cho rằng đã dụ dỗ con gái mình - đứa con gái đáng lẽ đang ở Anh du học lại bỗng dưng trở về, lại nghiện ngập và nhập viện. Cảnh tát đó tôi thực hiện 2 lần vì lần 1 bị đạo diễn đánh giá là... hơi nhẹ tay. (Cười)

Phân cảnh ông Hoàng - đại gia nghìn tỷ đánh vợ vì tội bao che cho con gái

- Chỉ là một cái tát vợ nhưng ông cũng lường đến việc bạo lực gia đình, vậy cá nhân ông nghĩ thế nào khi thời điểm đầu "Biệt dược đen" lên sóng từng bị ý kiến phim có cảnh bạo lực, không phù hợp sóng giờ vàng?

"Biệt dược đen" là phim hình sự nên không tránh khỏi những cảnh đánh đấm, súng ống, bạo lực hay những cảnh ăn chơi sa đọa. Có như thế mới phản ánh đúng xã hội. Xã hội gần đây còn nhiều vụ việc rúng động khủng khiếp nên trên phim việc dùng lọ lục bình đập vào đầu người khác chưa là gì và phim hình sự đúng là phải thế. Chứ không thể như “Hướng dương ngược nắng",... nhẹ nhàng thì sao ra chất hình sự được. Không có bạo lực sao ra chất.

Khán giả tất nhiên rất khó tính, khó chiều nhưng dưới góc độ người làm nghệ thuật tôi nghĩ nên làm tới cùng. Với thực tế những phim hình sự ở Việt Nam, tôi cho liều lượng là vừa đủ, chứ không phải ghê gớm so với thực tế xã hội. Nói dễ hiểu như cảnh các "cậu ấm cô chiêu" tụ tập dùng "nước khoái", muốn thể hiện sự "khoái" như thế nào thì diễn viên nữ phải ngửa cổ cho rót thì mới gợi hình chứ. Đây vẫn là sự tiết chế của truyền hình, chứ ngoài đời cảnh thác loạn ghê gớm hơn nhiều từ cách ăn mặc hay phê thuốc,...

- Đến thời điểm hiện tại, phim không bị đánh giá nhiều về nội dung nhưng dàn diễn viên trẻ chưa thực sự thuyết phục được khán giả từ đài từ đến diễn xuất. Dưới góc độ của một diễn viên gạo cội, ông nghĩ thế nào về đánh giá này?

Các diễn viên gần đây của VFC nhiều bạn tay ngang nên có thể đài từ hay xử lý diễn xuất đúng là còn non. Đương nhiên thôi. Dưới góc độ là một diễn viên, một đạo diễn, người thầy của thế hệ: Lã Thanh Huyền, Thanh Hương, Hồng Đăng,... thì tôi cho rằng các lớp trẻ bây giờ xác định theo nghệ thuật thì vẫn nên nghiêm túc học tập, qua trường lớp đào tạo.

- Vậy ông nghĩ sao khi một sự thật là phim truyền hình VFC gần đây đang bị chê nhàm chán từ kịch bản không có gì đặc sắc đến dàn diễn viên quá cũ!?

Nói thật rằng đôi khi tôi cũng thắc mắc rằng tại sao truyền hình cứ dùng đi dùng lại nhiều gương mặt cũ, thậm chí vừa mới thấy ở kênh này rồi đổi kênh lại thấy phim khác. Không có diễn viên hay sao? Sao không khai thác diễn viên trẻ? Trong khi, các trường nghệ thuật hay diễn viên nhà hát còn rất nhiều, thậm chí nhiều nghệ sĩ nhà hát còn chơi dài không có việc, lương thấp,... nhưng không tạo điều kiện mà cứ "rơi" mãi vào 1 vài người.

Khán giả cũng đã ý kiến rồi là một dấu hiệu để các đạo diễn truyền hình cần cân nhắc lựa chọn nhân vật, gương mặt mới. Chứ cũng không cần thử thách họ nữa đâu, kiểu vai này phim này hiền rồi thì sau ác cho đổi mới,... Thực sự không cần đâu.

Giống như tôi có tuổi rồi, mình cũng biết đến lúc phải nghỉ chứ, đạo diễn nào gọi thì hay lúc đó. Tre già măng mọc nhưng cũng là đã đến lúc tôi cảm thấy cái mặt mình cũ rồi phải nghỉ thô; thỉnh thoảng xuất hiện một chút cho bạn bè lâu ngày không gặp hay ở xa họ còn biết mình vẫn khỏe, còn có thể hoạt động nghệ thuật. Tôi cảm thấy 1 năm có 1-2 lần lên phim là ổn chứ không ham hố kiểu phim nào cũng đi, phim nào cũng xin.

- Ông nghĩ sao khi có thể nhiều diễn viên cũng nhận ra sự nhàm chán khi tần suất xuất hiện phim quá nhiều song vẫn cố để duy trì hình ảnh, bởi phần nào đó còn liên quan đến thu nhập từ quảng cáo?

Không phủ nhận điều này bởi thực tế có người yêu nghề theo kiểu muốn làm, muốn cống hiến. Nhưng cũng có người đã quen được như thế rồi thì cứ thế đi. Kể ra mà làm hay, đóng giỏi thì cũng được đấy nhưng cứ cố xuất hiện mãi mà chỉ "một màu": hình bóng ấy, cách diễn, cách nói ấy thì lại thành dở.

Tôi đánh giá cao sự "quen mặt" của Đỗ Duy Nam. Không chỉ nỗ lực diễn xuất để tạo ra những chất rất riêng và đến Đạt điên "Biệt dược đen" cậu ấy cũng cho thấy màu sắc mới, chấp nhận được chứ cứ như vai cũ thì lại không ra gì.

Hay Doãn Quốc Đam từ thời sắm một vai rất nhỏ trong "Giọt nước rơi", dù tương tác không nhiều nhưng tôi nhìn được tố chất và đánh giá cậu ấy có triển vọng. Sau này, cậu ấy xuất hiện trong các vai dù nhỏ hay to đều sáng tạo, bóng dáng cái cũ mất đi. Duy chỉ có sáng tạo trong việc nói giọng khàn phim "Làng trong phố" là hơi lố một chút và phải điều tiết lại chứ người xem cũng mệt, người diễn cũng mệt.

Cảm ơn chia sẻ của NSƯT Trần Đức!

NS Trần Đức chia sẻ hình ảnh hậu trường phim

NS Trần Đức chia sẻ hình ảnh hậu trường phim

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nsut-tran-duc-mot-nam-len-song-1-2-lan-chu-khong-ham-ho-phim-nao-cung-di-172231020165755523.htm