NSX phim Trần Thị Bích Ngọc: Điện ảnh Việt Nam có tiềm năng to lớn tại khu vực
Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc là một trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo bình chọn của tạp chí Forbes Việt Nam.
Ngoài một sự nghiệp thành công với nhiều tác phẩm được đánh giá cao như Mỹ nhân kế, Quả tim máu, Người vợ ba..., chị Trần Thị Bích Ngọc còn là đồng sáng lập chương trình "Gặp gỡ mùa Thu", sự kiện điện ảnh thường niên là bệ phóng cho các đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng.
Chị Trần Thị Bích Ngọc có mặt tại Liên hoan phim Quốc tế Singapore (SGIFF) 2019 để tham gia chương trình thảo luận về phát triển và chiến lược sản xuất nội dung trong khu vực Đông Nam Á, nằm trong khuôn khổ "Mạng lưới các nhà sản xuất Đông Nam Á" của SGIFF.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Trần Thị Bích Ngọc đã chia sẻ về dấu ấn của phim Việt Nam tại liên hoan phim (LHP) uy tín nhất khu vực này và tiềm năng của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam có 5 phim dự thi giải Màn Ảnh Bạc và 1 chương trình đặc biệt trình chiếu 5 phim ngắn. Đây có phải là con số lớn nhất trong lịch sử tham gia LHP Singapore của Việt Nam, và chị có phải là nhân tố chính tạo nên tín hiệu tích cực này?
Nsx Trần Thị Bích Ngọc: Không, đây chắc chắn đến từ nỗ lực và đam mê của các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Tôi rất ấn tượng khi năm nay LHP dành một chương trình đặc biệt trong Tầm nhìn Châu Á để giới thiệu chùm phim ngắn Việt Nam với cái tên Điện ảnh Việt Nam đương đại, bên cạnh 1 phim truyện dài và 4 phim ngắn ở hạng mục tranh giải chính thức.
Quả đúng là con số ấn tượng. Các nhà làm phim trẻ của chúng ta đã tạo một luồng gió mới và gây được sự chú ý không nhỏ trong khu vực qua hàng loạt các bộ phim ngắn của mình. Tôi nghĩ đóng góp vào đây cũng có phần không nhỏ của những cuộc thi như cuộc thi phim ngắn của CJ-CGV, workshop GGMT, Xine house… nhưng trên hết nó là nỗ lực của chính các bạn trẻ.
Chị đánh giá thế nào về tiềm năng của các đạo diễn trẻ Việt Nam tham gia LHP, đặc biệt là 2 nữ đạo diễn Dương Diệu Linh và Phạm Hoàng Minh Thy? Các đạo diễn này có nhận được sự giúp đỡ của “Gặp gỡ mùa Thu” hay không?
Nsx Trần Thị Bích Ngọc: Cái này chỉ có thời gian mới trả lời được, nhưng những gì diễn ra trước mắt, tôi thấy chúng ta cũng có quyền hy vọng. Linh hay Thy hay các bạn trẻ khác đều là những người hết sức nỗ lực, chịu dấn thân, tiếng Anh giỏi, lại còn xinh đẹp, duyên dáng nữa! Tại sao lại không hy vọng?!
Tôi cho rằng Gặp gỡ mùa Thu chỉ là nơi kết nối, giúp các bạn có thêm cơ hội giao lưu học hỏi thôi, còn thành quả vẫn phải là nỗ lực tự thân. Có lẽ cái hay của Gặp gỡ mùa Thu là tạo ra một cộng đồng, chỉ ra thêm được rằng có những con đường đi như thế, còn có chọn đi con đường đó không là tùy vào khả năng và sự thích thú của mỗi cá nhân.
Trong tương lai chị có dự định gì để phát triển hơn nữa “Gặp gỡ mùa Thu”? Chị có dự án phim lớn nào đang ấp ủ hay không? Chị có ý định “lấn sân” sang lĩnh vực đạo diễn hay không?
Nsx Trần Thị Bích Ngọc: Hiện giờ chúng tôi sẽ vẫn chỉ giữ Gặp gỡ mùa Thu ở một quy mô nhỏ gọn với các lớp học thôi. Muốn làm gì đó lớn hơn thì chúng tôi không thể mãi làm một mình được, nó cần sự chung tay của nhiều người, cá nhân và tổ chức, và cả một nguồn tài chính ổn định nữa. May mắn là đến giờ chúng tôi vẫn có được nguồn hỗ trợ đều đặn đến từ các sứ quán, và những bạn bè, doanh nghiệp tin tưởng chúng tôi và chương trình, nhưng để phát triển lớn mạnh hơn, chúng tôi cần dành nhiều thời gian và tài chính hơn cho nó, chuyện đó hiện giờ chưa có được.
Còn làm đạo diễn thì không đâu. Công việc đó nhìn lấp lánh hào quang vậy chứ thực chất đòi hỏi rất nhiều thứ, nó không phải là nghề dành cho mọi người, không dành cho tôi.
Chị có nhiều phim được giới phê bình đánh giá cao và cũng có nhiều phim đạt doanh thu cao tại phòng vé. Theo chị, điện ảnh Việt Nam trong tương lai nên chú trọng vào tính nghệ thuật hay tính thương mại?
Nsx Trần Thị Bích Ngọc: Một nền điện ảnh phát triển khỏe mạnh thì cần phải đa dạng về thể loại và cá tính, chúng ta không nên bó hẹp mình trong một tính nào cả, bản chất điện ảnh là một môn nghệ thuật và điện ảnh cuối cùng cũng là dành cho khán giả thưởng thức. Phim thương mại sẽ tuyệt vời hơn nếu có tính nghệ thuật trong đó và phim nghệ thuật hoàn thiện nhất khi có khán giả. Tôi nghĩ chúng ta rất cần những bộ phim Việt Nam hay hấp dẫn thu hút đông đảo khán giả, để thói quen ra rạp xem phim Việt luôn được duy trì như là một phần của cuộc sống.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có ý thức để tạo ra lượng khán giả cho những dòng phim khó xem hơn mang tính tác giả. Tôi nghĩ cũng đã đến lúc chúng ta cũng cần xây dựng khán giả cho dòng phim này, ví dụ như những buổi chiếu phim thường xuyên tại các trường học có giao lưu với nhà làm phim để khán giả thấy được cái hay của ngôn ngữ điện ảnh, ngoài giá trị giải trí. Chỉ khi khán giả khám phá được cái hay đó thì chúng ta mới có thể hy vọng có thêm lượng khán giả theo dõi dòng phim tác giả. Việc này cần thời gian và cần một ý thức rõ ràng.
Trong các tác phẩm mà chị sản xuất, chị ưa thích nhất phim nào?
Nsx Trần Thị Bích Ngọc: Phim thích nhất là những bộ phim tôi sắp sản xuất, xin mọi người chờ xem trong năm 2020.
Xin chân thành cảm ơn chị!
Tại SGIFF năm nay, dự án phim "Tro tàn rực rỡ" (Glorious Ashes) của nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thắng giải thưởng Tài trợ Đồng Sản xuất Đông Nam Á lần thứ nhất (Inaugural Southeast Asia Co-Production Grant), theo đó bộ phim sẽ được cấp kinh phí 250.000 SGD (4,3 tỷ đồng). Nhà sản xuất người Singapore Jeremy Chua sẽ đồng sản xuất phim này.
"Tro tàn rực rỡ" được chuyển thể từ hai truyện ngắn "Tro tàn rực rỡ" và "Củi mục trôi về" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Dự án phim này đã từng thắng giải 15.000 USD (340 triệu đồng) tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2017.