NTK Thủy Nguyễn: Tôi biết chấp nhận cái sai và sửa chữa!
'Tôi dứt khoát có sai sót chứ không đúng hết được! Tôi biết chấp nhận cái sai và sửa chữa, ghi nhận những cái sai không thể sửa để rút kinh nghiệm', NTK Thủy Nguyễn thông tin về những tranh cãi liên quan đến cổ phục Việt.
Trong sự kiện triển lãm Mộng bình thường tối 5/11, NTK Thủy Nguyễn dành thời gian chia sẻ với báo VietNamNet xoay quanh những tranh cãi liên quan đến cổ phục Việt do cô thực hiện cho một số dự án phim cổ trang như Kiều, Quỳnh hoa nhất dạ...
Cụ thể, với phim Quỳnh hoa nhất dạ, Thủy Nguyễn thiết kế trang phục được cho là mang hơi hướng triều Thanh (Trung Quốc) cho nhân vật lấy cảm hứng từ Dương Vân Nga. Còn ở phim Kiều, Thủy Nguyễn bị cộng đồng cổ phong Việt phản ứng khi thiết kế trang phục màu vàng cho nhân vật Kiều vì sắc vàng dành riêng cho hoàng tộc chưa kể Kiều là một kỹ nữ. Một nhà nghiên cứu sử độc lập phê bình Thủy Nguyễn là “có thù với phim cổ trang Việt”.
Trước nhận xét gay gắt về mình, Thủy Nguyễn cho rằng cô cũng chỉ là người bình thường, thích được khen và luôn luôn cố gắng. Theo cô, mọi người có thể đang khắt khe với mình nhưng NTK yêu sự khắt khe ấy. Ê-kíp Quỳnh hoa nhất dạ tung nhiều hình ảnh ngay khi phim chưa bấm máy để lắng nghe khán giả. Việc cô trưng bày bộ trang phục này tại không gian triển lãm Mộng bình thường tối 5/11 cũng với mục đích như vậy.
Thủy Nguyễn nhấn mạnh vai trò của cô trong ê-kíp phim khác hoàn toàn với một NTK hay họa sĩ. Chẳng hạn, NTK có thể đưa mọi thứ mình muốn lên sàn diễn, họa sĩ có thể vẽ mọi thứ cô thích nhưng làm việc với ê-kíp phim hàng trăm người thì không. Hoạt động của Thủy Nguyễn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kịch bản, nhà sản xuất, ngân sách, quỹ thời gian… chứ cá nhân cô không quyết định tất cả.
Về việc bộ trang phục bị cho là mang hơi hướng triều Thanh trong Quỳnh hoa nhất dạ, Thủy Nguyễn cho biết: ''Tôi dứt khoát có sai sót chứ không đúng hết được! Tôi biết chấp nhận cái sai và sửa chữa, ghi nhận những cái sai không thể sửa để rút kinh nghiệm. Không ai muốn bị chê trách nhưng khi làm việc với ê-kíp, tôi phải khớp với mọi người chứ không có quyền quyết định tất cả".
Trong khi đó, với việc thiết kế trang phục màu vàng cho nhân vật Vương Thúy Kiều trong phim Kiều, NTK đặt ngược câu hỏi: "Đề bài của chị Mai Thu Huyền cho tôi vẫn chưa được phép tiết lộ nhưng liệu chiếc áo vàng ấy xuất hiện trong giai đoạn nào hay toàn bộ cuộc đời Kiều? Kịch bản phim Kiều giống với nguyên tác hay có sáng tạo khác? Có thể, việc đăng một tấm ảnh mà không kèm chú thích sẽ dễ gây tranh cãi. Mong chị Huyền sớm có thông tin về bộ phim đến khán giả".
Theo Thủy Nguyễn, quy trình sản xuất ra một bộ phim có nhiều khâu tác động lẫn nhau về chuyên môn. Chẳng hạn, mỗi bộ trang phục trong phim phải tương thích với cảnh quay như màu rèm, bình phong, ánh sáng… Ngược lại, ánh sáng, màu phim có thể ảnh hưởng đến màu gốc trang phục hoặc một thiết kế quá sang trọng có thể phải tháo bớt phần thêu, đính kết cho phù hợp với nhân vật. Bên cạnh yếu tố đúng - sai, tính thẩm mỹ của trang phục cũng rất quan trọng.
Từng tham gia thiết kế hoặc cố vấn trang phục cho nhiều phim cổ trang, Thủy Nguyễn hiểu vì sao mình bị phản ứng. Với những phim không xác định niên đại như Mẹ chồng hay Tấm Cám: Chuyện chưa kể, cô vẫn nghiên cứu 1 – 2 giai đoạn cụ thể để phối lại, tạo ra trang phục cho riêng bộ phim.
"Tôi nghiên cứu các ghi chép, bản vẽ nhưng thú thật tài liệu thời xưa không quá đầy đủ hay xác thực hẳn hoi nên quá trình thiết kế trang phục bị bế tắc rất nhiều. Chúng tôi phát điên bởi những câu hỏi đặt ra cho nhau làm cái gì, không làm cái gì trước khi được “cởi trói” bởi nhà sản xuất", NTK tâm sự.
Thủy Nguyễn hơi buồn khi bị chỉ trích vội vàng: "Phim Quỳnh hoa nhất dạ làm về câu chuyện gì, nhân vật nào; phim Kiều là phim chính sử, dã sử hay fantasy… mọi người đều chưa biết mà! Vì vậy, mong mọi người lắng nghe thông tin chính thức từ ê-kíp, hiểu cho vai trò của tôi trong đoàn phim cũng như quy trình làm phim là như thế nào".