Nữ ca sĩ gốc Hàn chia sẻ tham vọng về bộ phim chuyển thể

Ca sĩ Michelle Zauner, tác giả của 'Bật khóc ở H Mart', bật mí những chi tiết về bộ phim chuyển thể từ cuốn hồi ký đầu tay của mình.

 Michelle Zauner, tác giả Bật khóc ở H Mart. Ảnh: The Times.

Michelle Zauner, tác giả Bật khóc ở H Mart. Ảnh: The Times.

Giọng ca chính kiêm nghệ sĩ guitar của ban nhạc indie pop Japanese Breakfast, Michelle Zauner, gần đây đã chia sẻ chi tiết về bộ phim chuyển thể từ cuốn hồi ký Bật khóc ở H Mart.
Hãng phim MGM's Orion Pictures đã mua bản quyền cuốn sách bán chạy này và mời Stacey Sher cùng Jason Kim tham gia sản xuất bộ phim. Năm 2018, khi chương 1 của cuốn hồi ký lần đầu tiên được đăng trên tờ New Yorker, bài đăng đã lập tức gây sốt. Và cuốn sách quanh nỗi đau mất mẹ bởi căn bệnh ung thư quái ác và bản sắc người Mỹ gốc Hàn của Michelle Zauner đã nhận được nhiều lời khen từ cả giới phê bình lẫn công chúng, lọt vào nhiều bảng xếp hạng sách hay cuối năm.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Variety, nữ tác giả chia sẻ tầm nhìn nghệ thuật của cô ấy về bộ phim chuyển thể của Bật khóc ở H Mart. Không chỉ tham gia sản xuất nhạc phim, Zauner cũng sẽ tham gia viết kịch bản bởi cô muốn được kể câu chuyện của chính mình. Cô cũng chia sẻ mong muốn kết hợp các bài hát của ban nhạc Japanese Breakfast và nhạc Hàn Quốc vào phim. Đặc biệt, hai album PsychopompSoft Sounds From Another Planet do Michelle Zauner sáng tác cho ban nhạc đều có chủ đề song song với chính cuốn hồi ký của cô.

Nữ ca sĩ cho biết cô chưa từng nghĩ mình sẽ tham gia viết kịch bản cho bộ phim, nhưng rồi cô nhận thấy tầm quan trọng của việc kể lại chính xác phần tuổi trẻ của đời mình:

 Bản Việt sách Bật khóc ở H Mart. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Bản Việt sách Bật khóc ở H Mart. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

“Thành thật mà nói, việc viết kịch bản nghe có vẻ kinh khủng. Ban đầu, tôi thực sự không muốn tham gia vì tôi cảm thấy rằng dù nó được thực hiện thế nào, tôi cũng sẽ ghét bộ phim vì Bật khóc H Mart là một câu chuyện quá riêng tư với tôi. Nhưng rồi tôi nghĩ mẹ tôi là một người phức tạp, đa chiều và tôi muốn viết về bà ấy theo cách đó. Tôi cảm thấy chỉ tôi mới có thể có được sự tự do sáng tạo cần thiết để biến câu chuyện này thành một kịch bản thú vị. Tôi định sẽ tập trung nhiều hơn vào câu chuyện 'một cô gái tuổi mới lớn lai Á trở thành một nghệ sĩ', điều mà tôi đã né tránh khi viết cuốn sách này”.

Nữ ca sĩ chia sẻ thêm: “Tôi rất muốn đưa những bài hát mà tôi đã viết ở những độ tuổi nhất định vào phim. Bộ phim dành cho lứa tuổi mới lớn có ảnh hưởng lớn đến tôi là Garden State. Đây cũng là bộ phim mà nhà sản xuất Stacey Sher, người sẽ làm việc trong dự án chuyển thể Bật khóc ở H Mart, đã làm nhạc cho và tôi rất muốn có phiên bản nhạc phim tương tự".

Cô cho biết với tư cách một nghệ sĩ, cô thích tự mình tạo danh sách nhạc phim dựa trên những gì cô nghe. "Có một số bài hát tiếng Hàn mà tôi thực sự yêu thích và muốn đưa vào phim".

"Vừa phác thảo kịch bản, tôi vừa liên kết đến một số bài hát mà tôi tưởng tượng sẽ vang lên trong cảnh đang viết". Michelle Zauner cho rằng nhạc phim là một phần rất quan trọng. "Cuốn sách có những khoảnh khắc trữ tình và tôi chắc rằng kịch bản cũng vậy”.

Mặc dù kịch bản vẫn đang trong giai đoạn đầu do Zauner còn bận lưu diễn, rõ ràng nguyện vọng của nữ ca sĩ là có toàn bộ quyền tự do sáng tạo, để miêu tả câu chuyện cá nhân của mình một cách chân thực hơn trong dự án phim chuyển thể.

Việc đưa những ca khúc của Japanese Breakfast vào bộ phim sẽ là điều dễ hiểu vì chúng liên quan mật thiết đến cuộc hành trình của tác giả. Nhiều độc giả người Mỹ gốc Á đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào bộ phim. Những năm gần đây, hình ảnh người châu Á đang dần có độ phổ biến lớn hơn tại Hollywood với nhiều tác phẩm đặc sắc kể câu chuyện của người (gốc) Á đã giành giải thưởng lớn Minari, Parasite, The fairwell.

 Michelle Zauner và mẹ cô, chụp năm 1990. Ảnh: Michelle Zauner.

Michelle Zauner và mẹ cô, chụp năm 1990. Ảnh: Michelle Zauner.

Bật khóc ở H Mart là một câu chuyện tôn vinh di sản Hàn Quốc, một tác phẩm lay động đến đau lòng, nơi Zauner trút hết những cảm xúc cô có về mối quan hệ với mẹ mình, về tuổi thơ khi lớn lên với tư cách là một người song tính trong một cộng đồng chủ yếu là người da trắng và những kỷ niệm cô níu lấy kể từ khi đến thăm Hàn Quốc vào một mùa hè.

Cuốn hồi ký khám phá mối quan hệ đầy sóng gió với bà mẹ người Hàn và cho thấy ngôn ngữ tình yêu mới lạ thông qua đồ ăn. Đồ ăn là chủ đề xuyên suốt trong cuốn sách, là cầu nối giữa Zauner và những kỷ niệm cô có với mẹ. Công thức nấu ăn đậm đà văn hóa Hàn Quốc và những lần lang thang giữa các quầy thực phẩm của siêu thị H Mart (chuỗi siêu thị ở Bắc Mỹ chuyên bán đồ châu Á) lại trở thành cách mà cô hiểu về một nửa dòng máu Hàn Quốc trong mình.

Trong quá trình viết cuốn sách xúc động của mình, Michelle đã học cách tha thứ cho bản thân và mẹ cô vì những năm tháng tuổi vị thành niên đầy biến động. Mặc dù Bật khóc ở H Mart là câu chuyện của riêng Zauner, cuốn sách gợi được sự đồng cảm của nhiều người: những người có mối quan hệ phức tạp với gia đình và những người có nguồn gốc từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-ca-si-goc-han-chia-se-tham-vong-ve-bo-phim-chuyen-the-post1376169.html