Nữ Cảnh sát khu vực tài năng của Công an Thủ đô

Thượng úy Lương Thị Phương Anh là Cảnh sát khu vực (CSKV) Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Khi tôi viết bài này, chị vừa đạt giải nhất Hội thi 'Nữ Cảnh sát khu vực tài năng Công an Thủ đô' lần thứ Nhất năm 2023.

Ba năm trước, năm 2020, nhận nhiệm vụ là CSKV Công an phường Quang Trung, Thượng úy Lương Thị Phương Anh vừa mừng, vừa lo. Quang Trung là phường trung tâm của quận Hà Đông có nhiều cơ quan, đơn vị đứng chân; tổ dân phố 14 và 15 - địa bàn chị được phân công phụ trách lại tập trung đông nhất các đối tượng hình sự.

“Trước đây, tôi học chuyên ngành điều tra tội phạm, sau đó công tác tại Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hà Đông… Mỗi công việc lại có một khó khăn riêng. Nếu trinh sát ma túy thường xuyên phải đi đêm, về hôm, đối mặt với hiểm nguy thì công việc của một cán bộ CSKV chẳng khác gì nuôi “con mọn”. Ngoài kiến thức trinh sát còn đòi hỏi sự mềm dẻo, linh hoạt và cần mẫn…” - Thượng úy Lương Thị Phương Anh cho biết. Đây cũng là thời điểm triển khai Đề án 06 mà CSKV là lực lượng nòng cốt, thường trực, trực tiếp tham mưu Ban chỉ đạo 06 UBND phường triển khai các nhiệm vụ cụ thể của đề án… Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Thượng úy Lương Thị Phương Anh vừa làm, vừa học. Chị nhớ lại: “Thời điểm tôi nhận công tác song song với việc thu thập, nhập liệu dữ liệu thông tin dân cư vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đơn vị đồng thời triển khai việc làm sạch dữ liệu thông tin.

Thượng úy Lương Thị Phương Anh có mặt tại địa bàn, gần gũi tiếp xúc với nhân dân.

Thượng úy Lương Thị Phương Anh có mặt tại địa bàn, gần gũi tiếp xúc với nhân dân.

Bắt đầu với hệ thống dữ liệu dày đặc, chị tận dụng cơ hội này để vừa rà soát dữ liệu thông tin, vừa nắm bắt tình hình địa bàn, công việc quả thật không dễ dàng. Những ngày đầu, người nữ CSKV ấy tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc xuống địa bàn phối hợp với các đồng chí tổ trưởng, bí thư chi bộ để xác minh các trường thông tin chưa trùng khớp…

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì phù hợp với sự mềm mại của một người phụ nữ nhưng chị cũng phải đối mặt với áp lực thời gian. Vào thời điểm đó, hầu hết việc làm sạch dữ liệu đều phải tiến hành vào buổi tối. Song với chị, ấn tượng nhất là thời điểm dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp. Vào thời điểm đó, Quang Trung là một trong những địa bàn đầu tiên tại Hà Nội lập chốt chống dịch… Những ngày đó, ngoài trực chốt, chị lại tranh thủ về đơn vị tiến hành làm sạch dữ liệu. Có thời điểm, vài ngày chị chẳng về nhà, việc chăm sóc con nhỏ đều nhờ đến sự giúp đỡ của bố, mẹ…

Có lần, con đổ bệnh, chị cũng chỉ tạt về nhà thăm con chốc lát rồi lại rời đi làm nhiệm vụ. Rồi những hôm đi xuống địa bàn làm việc ngoài giờ hành chính, chị phải đưa con trai đi cùng để tận dụng thời gian vừa làm việc, vừa trông con. “Đối với tôi, tỉ mỉ, cẩn trọng và không ngừng học hỏi là những điều giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…” - Thượng úy Lương Thị Phương Anh chia sẻ. Bởi vào thời điểm đó, chị chỉ có một suy nghĩ, cả đơn vị như một guồng máy, chỉ cần một mắt xích dừng lại thì tất cả đều phải ngưng trệ. Vì thế, chị và mỗi cán bộ Công an phường đều phải nỗ lực để những người còn lại không phải gánh việc cho mình. Những lúc nhớ con quay quắt, chị cũng chỉ biết gọi điện thoại về nhà…

Trong quá trình đó, Thượng úy Lương Thị Phương Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu công dân, đảm bảo dữ liệu của công dân “đúng, đủ, sạch, sống” và hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn quản lý. Đến nay, 100% công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường Quang Trung được thu thập, cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia; 99,9% công dân trong độ tuổi được cấp CCCD gắn chíp và trên 98% công dân trên 14 tuổi đã được kích hoạt định danh điện tử mức độ 2.

Nói về những áp lực của một nữ CSKV, Thượng úy Lương Thị Phương Anh chia sẻ: Công việc của một CSKV chẳng khác gì nuôi con mọn, từ tham gia điều tra án đến quản lý hành chính, phụ trách phòng cháy chữa cháy… Song vất vả nhất là công tác quản lý địa bàn, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân. Mới đây, Thượng úy Lương Thị Phương Anh vừa hóa giải thành công một vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…

Trong quá trình xuống cơ sở, người nữ CSKV đã sơ bộ có thông tin về sự việc xảy ra trong gia đình của một cặp vợ chồng. Sau khi kết hôn, đôi vợ chồng này sống trong căn nhà của người cha chồng. Mâu thuẫn nảy sinh từ thời điểm họ xây lại căn nhà; người vợ yêu cầu phải được đứng tên trong sổ đỏ của căn nhà. Trong quá trình này, người chồng có lý lẽ riêng, còn người vợ cũng có quan điểm của mình. Đỉnh điểm của mâu thuẫn trên là người vợ bỏ ra bên ngoài thuê nhà, để lại con cho người chồng nuôi. Ngày 8/3, người vợ về nhà lấy đồ đạc nhưng người chồng không mở cửa. Lời qua tiếng lại, giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn… người vợ sau đó đã 2 lần làm đơn tố cáo việc bị đánh đập. Sự việc đã ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Sau khi nắm bắt tình hình, chị đã cùng với tổ trưởng dân phố xuống gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người chồng; gặp gỡ người vợ để lắng nghe những suy nghĩ của chị. Sau nhiều ngày kiên trì, chị đã hóa giải thành công sự việc…

Với thành tích trong công tác, Thượng úy Lương Thị Phương Anh đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; 2 lần nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Hà Đông vì có thành tích trong công tác; Giấy khen của Giám đốc Công an TP Hà Nội vì “Đã có thành tích trong phong trào thi đua lực lượng CSKV Công an TP Hà Nội lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân”; Giải Nhất “Thí sinh có hồ sơ thực tế tốt nhất” và Giải Nhì chung cuộc trong Hội thi “Nữ Cảnh sát khu vực giỏi Hà Đông năm 2023”…

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/nu-canh-sat-khu-vuc-tai-nang-cua-cong-an-thu-do-i717934/