Nữ kiểm lâm địa bàn - chuyện đời và chuyện nghề

Nhắc tới cán bộ kiểm lâm địa bàn, nhiều người nghĩ rằng chỉ có nam giới mới đảm nhiệm được. Tuy nhiên, trong lực lượng kiểm lâm Lào Cai hiện có nhiều 'bóng hồng' đang thường trực tại địa bàn, không quản khó khăn, vất vả, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.

Trạm trưởng Lý Thị Hơn.

Trạm trưởng Lý Thị Hơn.

Nhanh nhẹn, quyết đoán nhưng cũng rất tình cảm, đó là ấn tượng khi tiếp xúc với nữ trạm trưởng kiêm lâm đầu tiên và cũng là duy nhất trong lực lượng kiểm lâm Lào Cai. Mở đầu câu chuyện với tôi, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lùng Phình (Bắc Hà) tâm sự: Dường như mình chỉ hợp với địa bàn, 10 năm công tác thì có tới 8 năm ở địa bàn. Cõ lẽ đó cũng là cái duyên, bởi mình là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục, tập quán, nói được tiếng địa phương, nên được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao về địa bàn công tác.

Từ năm 2012 đến năm 2015, Lý Thị Hơn được giao phụ trách địa bàn toàn ở “phố”, gồm Hoàng Thu Phố, Thải Giàng Phố, Bản Phố. Nói là “phố”, nhưng công việc vô cùng vất vả, nhất là vận động người dân trồng rừng thay thế nương rẫy. Chị kể: Giai đoạn đó, ngành kiểm lâm tỉnh triển khai dự án trồng rừng thay thế nương rẫy. Thải Giàng Phố là một trong những địa bàn được chọn để triển khai dự án này. Ngặt nỗi, khu vực triển khai trồng rừng của xã Thải Giàng Phố vốn là “vựa” ngô, nên tuyên truyền, vận động thế nào đi nữa, người dân vẫn kiên quyết không làm. Với trách nhiệm là kiểm lâm địa bàn, ròng rã 3 tháng, ngày qua ngày, buổi sáng đến nhà không gặp, buổi tối lại đến. Có những lần đến nhà người dân đúng lúc họ đang ăn cơm, mình chờ cả tiếng đồng hồ. Những tưởng kiên nhẫn sẽ có kết quả, nhưng ngược lại, ăn cơm xong, gia đình bảo với mình: Về đi, chúng tôi làm nương cả ngày rồi, mệt lắm, phải đi ngủ thôi. Nghe xong, mình ấm ức vô cùng, vừa lau nước mắt, vừa lủi thủi trở về trạm trong đêm tối. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều kinh khủng nhất.

Câu chuyện mà Lý Thị Hơn đến nay vẫn ám ảnh và không thể quên đó là lần đến nhà một người dân để vận động trồng rừng, thì ông chủ nhà say rượu, chửi và xúc phạm, thậm chí còn định đánh cả chị. Biết tiếng dân tộc thiểu số, thông thạo địa bàn, phong tục, tập quán của người dân, Lý Thị Hơn kiên trì đến từng nhà, sẵn sàng giúp họ làm việc, uống bát rượu đầy, dần dần người dân cũng hiểu ý tốt của cán bộ kiểm lâm, coi chị như người con của bản, thậm chí những người từng xúc phạm chị đã thấy hối hận. Thế rồi, họ vác cuốc, xách cây giống theo kiểm lâm địa bàn Lý Thị Hơn lên núi ba mẹ con trồng rừng thay thế những cây ngô ngày càng còi cọc, bắp thưa dần. Gần 10 ha sa mộc trên núi ba mẹ con cứ thế vươn lên xanh tốt theo nỗ lực của nữ kiểm lâm địa bàn và sự đồng thuận của người dân.

Kiểm lâm viên Vũ Thị Ngọc tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tới người dân.

Kiểm lâm viên Vũ Thị Ngọc tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tới người dân.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh phủ xanh nương rẫy, Lý Thị Hơn tiếp tục được lãnh đạo đơn vị giao trọng trách mới: Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lùng Phình, phụ trách địa bàn 7 xã: Lùng Phình, Lùng Cải, Tả Củ Tỷ, Bản Già, Tả Văn Chư, Lầu Thí Ngài, Hoàng Thu Phố. Địa bàn rộng, có nhiều tuyến giao thông liên kết, nên đặt ra cho nữ trạm trưởng và kiểm lâm viên địa bàn Lùng Phình nhiều thách thức, thậm chí cả hiểm nguy. Ngày đầu lên Lùng Phình “nhậm chức”, Trạm trưởng Lý Thị Hơn cùng nhân viên đánh giá lại tình hình địa bàn, những bất lợi trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, từ đó xây dựng phương án tuyên truyền, vận động, tổ chức tuần tra, kiểm soát. Vấn đề mấu chốt được nữ trạm trưởng quan tâm là xây dựng niềm tin của người dân, để họ là cánh tay nối dài của kiểm lâm. 4 năm công tác tại địa bàn cụm xã Lùng Phình, Lý Thị Hơn phải nếm trải nhiều khó khăn hơn chị nghĩ, phải trực tiếp tham gia các công việc mà tưởng chừng chỉ thuộc về nam giới. Trạm trưởng Lý Thị Hơn kể: Cuối tháng 12/2019, nhận được tin báo của nhân dân có đối tượng vận chuyển lâm sản trái pháp luật từ Lùng Phình sang Xín Mần (Hà Giang), chị đã báo cáo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện, rồi trực tiếp tham gia cùng nhân viên truy đuổi suốt từ 8 giờ tối và trở về trạm khi đã chuyển sang ngày mới.

Trước đây, khi là kiểm lâm địa bàn, ít có thời gian cho gia đình, nên khi giữ chức Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Lùng Phình, chị càng không có thời gian cho tổ ấm của mình. Con lớn 10 tuổi, con bé 3 tuổi nhưng thường xuyên vắng mẹ. Những lần mẹ con gặp nhau là những lần chị tranh thủ về thăm nhà. Dù có chia sẻ, nhưng đôi lúc nhà chồng cũng không hài lòng. Do vậy, chị luôn bị áp lực giữa việc công và việc tư, khiến chị có thời điểm bị mất cân bằng. “Chuyện đời, chuyện nghề nữ kiểm lâm địa bàn hỉ, nộ, ái, ố như thế đấy”, Trạm trưởng Lý Thị Hơn tâm sự.

Công tác trong ngành kiểm lâm 14 năm, thì có 12 năm làm việc tại địa bàn, kiểm lâm viên Vũ Thị Ngọc, Trạm Kiểm lâm số 2, thuộc Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) là người có “thâm niên” ở địa bàn. Địa bàn chị công tác là xã Sản Sả Hồ, xã Lao Chải (nay là xã Hoàng Liên) tuy gần trung tâm huyện nhưng lại là khu vực phức tạp, bởi các thôn của xã đều là vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Có thời gian, tình trạng người dân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trở nên phổ biến, thậm chí xảy ra va chạm giữa người dân với lực lượng thực thi pháp luật. Do vậy, việc kiểm lâm viên Vũ Thị Ngọc xung phong đi địa bàn được đánh giá là quyết định dũng cảm của chị, nhưng cũng rất cần thiết, bởi có chị, việc giải quyết công việc sẽ mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Tháng 6/2008, kiểm lâm viên Vũ Thị Ngọc phải đối mặt với sự việc mà chị chưa từng trải qua, có lẽ đó là cú sốc trong suốt thời gian công tác. Thời điểm đó, chị cùng tổ bảo vệ rừng thôn Sín Chải đi tuần rừng ở độ cao 2.600 m đã phát hiện người dân xẻ gỗ làm nhà. Chị cùng tổ bảo vệ rừng bình tĩnh giải quyết vụ việc, yêu cầu người dân đưa tang vật về UBND xã xử lý. Mọi việc tưởng như thuận lợi thì sáng sớm hôm sau, 3 người dân đến tận trạm, đập cửa, ập vào dọa đánh chị. Một người mặt đỏ như gấc, tay cầm viên gạch, dồn chị vào góc và đe dọa: Mày muốn chết không? Tao có lấy gỗ của nhà mày đâu mà mày lấy của tao? Không chút hoảng sợ, chị Ngọc bình tĩnh thuyết phục thành công người dân, không để sự việc đi quá xa.
Kiểm lâm viên địa bàn Vũ Thị Ngọc tâm sự: Sau sự việc đó, mình thấy bản lĩnh hơn và có kinh nghiệm giải quyết. Hầu hết người dân địa phương thường tốt, chỉ có điều họ không hiểu hết quy định pháp luật, nên trách nhiệm của mình là phải giúp họ hiểu và làm việc đúng pháp luật. Nhờ giải quyết được tận gốc vấn đề nên nhiều năm qua, địa bàn kiểm lâm viên Vũ Thị Ngọc phụ trách không để xảy ra cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Đánh giá về đội ngũ nữ kiểm lâm địa bàn, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Lực lượng kiểm lâm tỉnh có 45 nữ, trong đó có 24 đồng chí đang công tác tại địa bàn. Họ đều là những người yêu nghề, tâm huyết với công việc, có chuyên môn vững và khả năng xử lý thực tế. Đặc biệt, sự khéo léo, mềm mỏng nhưng không kém phần kiên quyết đã hỗ trợ rất nhiều cho nam kiểm lâm địa bàn. Chính những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các nữ kiểm lâm địa bàn đã và đang góp phần vào công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh của rừng, giảm dần tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, xâm lấn rừng trái phép trong nhiều năm qua.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nguoi-tot-viec-tot/nu-kiem-lam-dia-ban-chuyen-doi-va-chuyen-nghe-z38n20200311151720954.htm