Nữ nhà báo và nghề
Là một nghề có tính đặc thù, nghề báo đòi hỏi những người làm nghề phải có những tố chất, yêu cầu nhất định, đồng thời luôn đặt ra môi trường làm việc nhiều áp lực. Riêng đối với các nữ nhà báo, họ còn phải nỗ lực nhiều hơn để vừa được sống với đam mê nghề nghiệp, vừa thực hiện vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình.
1. Áp lực và vất vả
Đi giữa áp lực công việc và cuộc sống, người trong nghề dễ bắt gặp những hình ảnh cô phóng viên lập nghiệp xa quê. Người có chồng là giáo viên, người thì chồng làm doanh nhân hoặc có cô, chồng là bộ đội thường cấm trại, xa nhà. Mọi công việc trong gia đình vốn dĩ luôn có bàn tay của cô sắp xếp, quán xuyến, nhất là thời điểm làm mẹ “bỉm sữa”.
Hơn một nửa số lượng hội viên Hội Nhà báo Đồng Nai là nữ giới
Trong 257 hội viên hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, có đến 150 hội viên là nữ giới, chiếm tỷ lệ hơn 58%.
Nhà báo Nguyễn Phượng, Trưởng ban Chính trị - văn hóa xã hội Báo Đồng Nai, Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sắp tới, CLB Nhà báo nữ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, với mong muốn trở thành ngôi nhà chung ấm áp để các nữ nhà báo tỉnh nhà có thể chia sẻ, động viên nhau trong hoạt động nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống”.
Dù vậy, với công việc, cô vẫn phải đảm bảo lịch trình được phân công: nay có thể theo chân đoàn đi đến các huyện Tân Phú, Định Quán xa xôi để tiếp xúc cử tri, mai có thể tác nghiệp ở TP.HCM nhân họp báo một sự kiện… Dù mưa cũng như nắng, sớm hay khuya, khi có việc, nữ phóng viên vẫn phải đi, lấy tư liệu và viết. Đêm đến, khi các con ngủ ngoan cũng là lúc những nữ phóng viên lại lạch cạch với máy tính, “chạy bài” , “cày kịch bản” cho số báo tới hoặc chương trình tiếp theo. Với nữ phóng viên kiêm mẹ “bỉm sữa”, có thời điểm nào căng hơn những ngày con bệnh mà lịch công tác thường xuyên, lịch phỏng vấn gần kề, giờ giao bài sắp tới…?
Đó cũng có thể là hình ảnh cô biên tập viên hoặc người dẫn chương trình truyền hình (MC) xuất hiện trên bản tin thời sự trực tiếp. Hình ảnh chuyên nghiệp, chỉn chu của những nữ MC là mơ ước nghề nghiệp của không ít nữ sinh. Tuy nhiên, để có diện mạo xinh đẹp, phong thái chuẩn mực, lời nói lưu loát, chính xác là cả quá trình rèn luyện, nỗ lực của nữ MC. Như trong mỗi chương trình truyền hình buổi sáng, ê-kíp sản xuất chương trình phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị, đảm bảo việc lên hình đáp ứng yêu cầu thông tin và hình ảnh chất lượng tốt nhất gửi đến khán giả.
Đó còn là những nỗi niềm không tên của những nữ biên tập và những người mẹ làm công tác chế bản báo in hầu như không có bữa cơm chiều với gia đình trong những ngày trực báo vì tất bật với khối lượng tin bài đổ dồn vào chiều tối đến đêm khuya. Thời gian căng thẳng nhất trong ngày có lẽ là lúc thu xếp công việc để kịp giờ đón con, giao ca… việc nhà cho chồng rồi lao vào với công việc…
2. Yêu áp lực công việc
Có thể thấy, cuộc sống của nữ nhà báo thường bận rộn, sôi động với lịch trình di chuyển thường xuyên, liên tục để đảm bảo yêu cầu thông tin được kịp thời, duy trì được nhịp sản xuất tin bài, chương trình truyền hình… Sự bận rộn và áp lực công việc khiến người làm nghề dễ bị stress, bữa ăn không đúng giờ…
Lo âu, vất vả là thế nhưng trong thâm tâm khi bài báo của mình được đăng tải, số báo do mình cùng tập thể tổ chức xuất bản, hoặc chương trình của mình được phát sóng và nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng, tạo được dư luận xã hội thì chắc hẳn mọi vất vả, mệt nhọc đều tan biến. Để rồi nữ nhà báo như được tiếp thêm nhiệt huyết, vẫn muốn được đi và được viết với tất cả đam mê của mình.
Từ khi nào họ yêu luôn sự bận rộn ấy bởi họ quan niệm: Mình đang năng động làm việc bằng cả trách nhiệm và đam mê với nghề!
3. Giữ gìn nhan sắc và hạnh phúc gia đình
Một số người quan niệm: nghề báo là nghề “xay”… nhan sắc của phụ nữ - một điều vốn vô cùng quan trọng đối với nữ giới.
Quan niệm ấy không phải không có lý khi có những thời điểm tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc, sau đó là sắp xếp việc gia đình, thì khoảng thời gian dành cho bản thân hầu như rất ít, hoặc không có. Nhưng đó chỉ là một vài thời điểm bởi cũng là phái đẹp, chị em báo giới không thể không quan tâm đến nhan sắc của mình. Mặc khác, do đặc thù công việc có liên quan đến giao tế, tiếp xúc với nhiều người, nhiều môi trường khác nhau, nên đối với nữ nhà báo, ngoại hình cũng là một trong những tiêu chí của công việc. Ăn mặc đẹp, lịch thiệp, giữ gìn dung mạo ưa nhìn và tươi tắn, ứng xử tinh tế… giúp họ thêm tự tin trong nghề báo và cuộc sống.
Đằng sau những chương trình truyền hình hoặc những bài báo đã đăng, số báo xuất bản… ngoài sự nỗ lực chung của mỗi nhà báo thì sự hy sinh, vất vả của nhà báo nữ thường nhiều hơn khi phải dung hòa công việc và thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Đối với nhà báo nữ đã lập gia đình, để có thể yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao và thành công với nghề, ngoài năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, họ còn cần có một hậu phương sẻ chia việc nhà.
Cũng có những người chồng không thể chấp nhận vợ mình cứ “vùi đầu” vào việc đi - viết, không có nhiều thời gian dành cho gia đình… lâu ngày dẫn đến vợ chồng không tìm được tiếng nói chung. Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng chuyện nữ nhà báo đổ vỡ hôn nhân không phải là ít.
Song ở chiều ngược lại, cũng có những người chồng cùng vợ sắp xếp, quán xuyến việc nhà, sẵn sàng chia sẻ việc đi chợ, nấu ăn, chăm sóc con nhỏ... những lúc vợ bận. Nói như thế để thấy rằng, sẽ là phiến diện khi quan niệm phụ nữ theo nghề báo là hoàn toàn không có hạnh phúc trong hôn nhân.
Nữ nhà báo hoàn toàn đều có thể xây dựng hạnh phúc gia đình dựa trên sự yêu thương, chia sẻ và nỗ lực nhiều hơn của các thành viên trong gia đình… Ở những gia đình của nữ nhà báo, người chồng cũng phần nào hy sinh niềm vui cá nhân để choàng gánh thêm phần nào vai trò của người vợ. Do mẹ thường vắng nhà, đi công tác xa, những đứa trẻ cũng phải làm quen với đặc thù công việc của mẹ làm nữ nhà báo để tự lập hơn trong một số việc…
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc nội trợ cũng có nhiều cách điều tiết như: mua đồ ăn cần thiết trong một tuần để tiết kiệm thời gian đi chợ; mua và đặt, đồ ăn, thực phẩm trực tuyến với sự hỗ trợ của các app; thuê dịch vụ giúp việc nhà theo tháng, theo giờ; sử dụng dịch vụ đưa đón con đi học… tùy hoàn cảnh, điều kiện gia đình. Điều quan trọng còn lại đó là sự thấu hiểu, sẻ chia của cả vợ lẫn chồng - một trong những yếu tố cần thiết để tạo nên sự hòa hợp, vững bền trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202006/nu-nha-bao-va-nghe-3008994/