Nữ tạp vụ dương tính SARS-CoV-2 sau 4 lần xét nghiệm đã đi những đâu?
Sau 4 lần xét nghiệm, lực lượng y tế Hải Dương xác định bà N.T.N (SN 1969, trú phường Ái Quốc, TP Hải Dương), làm tạp vụ tại KCN Lai Vu, huyện Kim Thành dương tính SARS-CoV-2.
Sáng 12/3, thông tin từ BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương, trường hợp nữ tạp vụ N.T.N (SN 1969, trú phường Ái Quốc, TP Hải Dương) có kết quả xét nghiệm xác định dương tính SARS-CoV-2.
Bà N.T.N làm tạp vụ cho Công ty TNHH MTV KCN Lai Vu, huyện Kim Thành, cùng phòng với bệnh nhân ở phố Nguyễn Thị Định, TP Hải Dương.
Theo dịch tễ, từ 8/2-10/2, hằng ngày bà N.T.N ở nhà có đi chợ Mét, thuộc phường Ái Quốc để mua đồ ăn, hoa quả.
Ngày 11/2, bà đi lễ chùa Phúc Thắng, tại khu Văn Xá, gần nhà ở. Ngày 14/2, đi chúc Tết hàng xóm gần nhà. Chiều 16/2, dọn dẹp vệ sinh tại công ty rồi về nhà.
Từ 17/2 đến tháng 3, hằng ngày bà N.T.N lái xe máy tới công ty làm rồi về nhà, có đi chợ Mét bằng thẻ đi chợ. Tại công ty, từ 6h sáng hằng ngày bà làm việc, dọn dẹp vệ sinh văn phòng, đến ăn cơm trưa cùng một vài người cùng công ty.
Ngày 4/3, có đi viếng đám hiếu ở xóm. Ngày 6/3, đi chợ Tiền Trung mua hoa quả, mua rau. Cùng ngày, bà lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty Tân Á, KCN Lai Vu.
Ngày 7/3, sau khi đi chợ mua thực phẩm, bà N.T.N đi giặt chăn tại xã Lai Vu.
Ngày 8/3, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 tại Trạm Y tế phường Ái Quốc, TP Hải Dương. Chiều cùng ngày lấy mẫu xét nghiệm lần 3 tại nhà.
Rạng sang 9/3, lấy mẫu xét nghiệm lần 4 tại Khu cách ly Ký túc xá Đại học Hải Dương. Kết quả sau đó xác định bà N.T.N dương tính SARS-CoV-2.
Công văn khẩn của Ban chỉ đạo Quốc gia: Tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2, ưu tiên đối tượng nguy cơ cao
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn khẩn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai giám sát, xét nghiệm SARS-CoV-2.
Công văn nêu rõ, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới; tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng, hiệu quả và cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch chủ động, kịp thời, hiệu quả, không để dịch ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; Bộ Y tế (Cơ quan Trưởng trực Ban chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương đánh giá tình hình dịch tễ dịch COVID-19 trên địa bàn để có chỉ định xét nghiệm đối với từng nhóm đối tượng ưu tiên theo "Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19" được ban hành kèm theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/09/2020 của Bộ Y tế để tránh lãng phí nguồn lực, ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao nhất là trong thời điểm các công ty, doanh nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động.
Đồng thời triển khai xét nghiệm ngay cho các đối tượng đã được xác định có nguy cơ cao theo chỉ định dịch tễ, đảm bảo 100% số đối tượng này có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đi làm.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chọn một trong các đơn vị xét nghiệm đủ năng lực để lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2, trong trường hợp nghi dương tính, dương tính phải chuyển ngay mẫu đến phòng xét nghiệm đã được phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 (trong trường hợp phòng xét nghiệm chưa được phép xét nghiệm khẳng định theo sự điều phối của Sở Y tế tỉnh, thành phố); triển khai lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả đúng thời hạn và báo cáo theo hướng dẫn, quy định hiện hành.
Các công ty, doanh nghiệp phải chủ động liên hệ, phối hợp với Sở Y tế tỉnh, thành phố để được đánh giá tình hình dịch tễ COVID-19 trước khi có chỉ định xét nghiệm và được điều phối tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho người lao động; chịu trách nhiệm thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định hiện hành.
Trong quá trình tổ chức lao động, sản xuất phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hà Nội: 1.500 công nhân trong các khu công nghiệp được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2
Theo Sở Y tế Hà Nội, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ được thực hiện trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 11 - 12/3, tại quận Nam Từ Liêm (khu vực dân cư) và huyện Hoài Đức (khu công nghiệp An Khánh).
Đợt 2 từ ngày 15 đến 19/3 tại các quận, huyện còn lại.
Theo kế hoạch có 4 khu, cụm công nghiệp với 1.500 công nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, bao gồm: khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh: 900 mẫu. Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; cụm công nghiệp An Khánh, huyện Hoài Đức; khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh - mỗi nơi 200 mẫu.
Ngoài ra, 1.600 cư dân đang sinh sống, làm việc tại 9 tòa nhà cũng được triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2, bao gồm: Chung cư Golden West lake, 151 Thụy Khuê, quận Tây Hồ: 100 mẫu; chung cư Imperia Garden, Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân: 100 mẫu…
Vào sáng nay sáng 12/3, việc lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành tại 3 điểm trên địa bàn phường Mỹ Đình 1 - Quận Nam Từ Liêm.
Đối tượng chủ yếu là người dân sinh sống tại khu dân cư có nguy cơ xuất hiện ca mắc COVID-19, bao gồm: Người phụ vụ nhà hàng – nơi có nhiều người nước ngoài qua lại; khu dân cư có người nước ngoài sinh sống; bến xe có người từ các tỉnh qua lại.
Tin 'đặc biệt' về 38 ca mắc COVID-19 ở Việt Nam
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
- 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN2156-BN2201-BN2178-BN2182-BN2194-BN2155-BN2327-BN2312-BN2344-BN1993-BN2154-BN2388-BN2404-BN2084-BN2331-BN1913-BN2351-BN2301-BN1928-BN2383-BN2426-BN1722-BN2158-BN1862-BN2444-BN2437-BN2453-BN2454-BN2164-BN2068-BN2354-BN2355-BN2505-BN2506-BN2507-BN1763-BN1659-BN2452
Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.086 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến 18h ngày 12/3: Việt Nam có tổng cộng 1592 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 899 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 715 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hòa Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca)
10 tỉnh, thành phố đã qua 28 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 24 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 17 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Tính từ 6h ngày 12/3 đến 18h ngày 12/3: 15 ca mắc mới, trong đó có 13 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 48 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 48 ca, số ca âm tính lần 3 là 91 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, bệnh nhân đã dừng ECMO 15 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.
Bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định.
Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.
Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe dọa tính mạng...
Dù vậy bệnh nhân đã tự ăn gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa (qua ống thông), có hỗ trợ truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch 20%.
BN1536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đồng thời bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).