Nữ Thủ tướng Ý đòi bồi thường vì hình ảnh bị ghép trong video khiêu dâm
Số tiền mà nữ Thủ tướng Ý đòi bồi thường là 100.000 euro (khoảng 2,6 tỷ đồng). Luật sư của bà lưu ý, số tiền này 'chỉ mang tính biểu tượng'.
Nữ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Ảnh: Bloomberg
Theo hãng tin ANSA của Ý, Thủ tướng Giorgia Meloni đã kiện 2 người đàn ông ra tòa với cáo buộc họ chèn mặt bà vào các video khiêu dâm được xem "hàng triệu lần" trên mạng.
Một tòa án ở đảo Sardinia (Ý) ngày 19/3 đã triệu tập bà Meloni để làm chứng trong vụ kiện. Hai người đàn ông bị buộc tội phỉ báng và đối mặt với cáo buộc hình sự cũng như vụ kiện dân sự của Thủ tướng Ý.
Theo luật sư của bà Meloni, một người đàn ông 42 tuổi và bố của người này, 73 tuổi, đã ghép khuôn mặt của bà Meloni vào thân hình của một nữ diễn viên phim khiêu dâm. Sau đó, 2 người này đăng một số video đó lên một trang web khiêu dâm của Mỹ. Hãng ANSA đưa tin, các video đã "được lan truyền trên mạng vài tháng và được xem hàng triệu lần".
Các video được làm trước khi bà Meloni trở thành thủ tướng Ý vào năm 2022. Hai nghi phạm bị cáo buộc và bị bắt giữ năm 2020, sau khi cảnh sát địa phương xác định và truy tìm các thiết bị di động được sử dụng để đăng tải số video này lên mạng.
Theo hãng tin ANSA, nghi phạm 73 tuổi đã đề nghị tòa án giải quyết phần vi phạm hình sự của người này bằng hình thức lao động công ích. Tuần tới, một thẩm phán sẽ quyết định về yêu cầu này.
Maria Giulia Marongiu, luật sư của bà Meloni, nói với báo chí rằng, số tiền bồi thường 100.000 euro mà Thủ tướng Ý yêu cầu "chỉ mang tính biểu tượng". Bà Meloni sẽ quyên góp số tiền đó cho các tổ chức từ thiện hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Theo luật sư Maria, bà Meloni khởi kiện để gửi thông điệp tới các phụ nữ rơi vào tình cảnh giống như bà ấy - Đừng ngại buộc tội những kẻ đã làm hại họ.
Theo truyền thông Ý, công nghệ mà 2 người đàn ông sử dụng để tạo ra các video có gương mặt của bà Meloni là deepfake - công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để mô tả con người, thường là người nổi tiếng hoặc nhân vật công chúng, nói hoặc làm những điều mà họ không làm trong thực tế.
Các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo, công nghệ deepfake có thể được sử dụng để tác động đến các cuộc bầu cử hoặc giúp tội phạm mạng truy cập các thông tin nhạy cảm. Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ cảnh báo xử phạt các công ty công nghệ sau khi một loạt video deepfake có xuất hiện hình ảnh các nữ diễn viên và chính trị gia gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ công chúng.