Nữ võ sĩ dành yêu thương cho trẻ khuyết tật

Trong lớp học này, những người làm cha mẹ đã rơi nước mắt khi lần đầu tiên thấy con mình đứng lên được, bước đi và cất tiếng gọi cha, gọi mẹ. Họ đã phải chờ đợi quá lâu để được thấy niềm hạnh phúc này. Nhiều em nhỏ từ việc chỉ nằm một chỗ, với sự kiên trì đồng hành của cô giáo Phung, đã dần phục hồi.

 Võ sĩ Lò Thị Phung

Võ sĩ Lò Thị Phung

Ở giải đấu nằm trong hệ thống Võ thuật tổng hợp (MMA) chuyên nghiệp LION Championship vừa diễn ra, võ sĩ Lò Thị Phung gây ấn tượng khi xuất hiện trong trang phục của dân tộc Thái.

"Em luôn tự hào mình là người dân tộc Thái. Em muốn truyền thông điệp về sự mạnh mẽ vươn lên của phụ nữ dân tộc thiểu số", Lò Thị Phung lý giải việc mình đã chọn bộ váy truyền thống của người dân tộc Thái khi xuất hiện trong màn đối đầu trước khi lên sàn.

Lò Thị Phung sinh năm 1998, người gốc Lai Châu. Cô tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm mầm non và là một cô giáo mầm non trước khi đến với thể thao.

Ba năm trước, Lò Thị Phung một mình khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh và theo tập môn võ Jujitsu. Chỉ một thời gian ngắn luyện tập nhưng với tố chất võ thuật bẩm sinh, Phung thi đấu cho đội Đồng Nai và liên tục có thành tích cao.

Từ đầu năm đến nay, nữ võ sĩ này đã đoạt huy chương Vàng giải Cup các câu lạc bộ tại Cần Thơ, huy chương Vàng giải vô địch Đông Nam Á, huy chương Vàng giải vô địch Quốc gia 2024...

Võ sĩ Lò Thị Phung trong trang phục dân tộc Thái

Võ sĩ Lò Thị Phung trong trang phục dân tộc Thái

Bước ra từ sàn đấu, Lò Thị Phung lại trở thành một cô giáo, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tham gia các hoạt động lan tỏa tinh thần thể thao trong cộng đồng.

Một trong những hoạt động ý nghĩa của Phung là tham gia dự án của huấn luyện viên Lê Hoàng Mai, người đã nhiều năm thực hiện dự án hỗ trợ, phục hồi cho trẻ bị bại liệt, mắc các chứng khuyết tật vận động, chậm nhận thức.

Những người cha, người mẹ có con tham gia dự án của thầy Lê Hoàng Mai gọi đây là "lớp học của tình thương, của hạnh phúc". Trong lớp học này, những người làm cha mẹ đã rơi nước mắt khi lần đầu tiên thấy con mình đứng lên được, bước đi và cất tiếng gọi cha, gọi mẹ.

Họ đã phải chờ đợi quá lâu để được thấy niềm hạnh phúc này. Nhiều em nhỏ từ việc chỉ nằm một chỗ, với sự kiên trì đồng hành của cô giáo Phung, đã dần phục hồi.

"Thực sự với trẻ gặp khó khăn trong vận động đi kèm khả năng nhận thức kém, để các em tự đứng lên được là rất khó khăn. Bởi vậy, em luôn muốn làm được điều gì đó cho các em nhỏ này", Lò Thị Phung chia sẻ.

Quang Thái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-vo-si-danh-yeu-thuong-cho-tre-khuyet-tat-20241021182819224.htm