Núi nợ ngầm đe dọa đẩy Trung Quốc vào 'bão' tài chính
Khi giới chức TP Liễu Châu, miền nam Trung Quốc, tiến hành một phiên đấu giá đất theo kế hoạch vào tháng 6 năm nay, họ tìm được rất ít bên tham gia. Chỉ có một lô đất có người dự thầu, còn lại chưa bán được.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng sau thời gian phát triển nóng. (Ảnh: Getty)
Giống như nhiều thành phố khác trên khắp Trung Quốc, sự suy thoái của thị trường bất động sản khiến nhu cầu mua đất để xây chung cư giảm đi.
Theo bài viết của The Economist, các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) là một trong những công cụ tài chính khác biệt nhất của Trung Quốc. Từ giữa những năm 1990, chính quyền trung ương ra quy định về ngân sách nhằm ngăn chặn địa phương tạo ra những khoản nợ lớn. Để đối phó, các chính quyền địa phương sử dụng LGFV để huy động vốn.
Phương tiện này đã trở thành một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại tiền để xây cầu, nhà cửa và đường sá. Nhưng LGFV cũng tạo nên một khoản nợ lớn, với tổng số khoảng 53 nghìn tỷ tệ (8,3 nghìn tỷ USD), tương đương 52% GDP Trung Quốc, theo số liệu của ngân hàng Goldman Sachs. Dù số nợ đó không xuất hiện trong các bảng cân đối tài chính công, nhưng các chính quyền địa phương có nghĩa vụ trả nợ. Giới phân tích cho rằng số nợ này đe dọa sẽ đẩy hệ thống tài chính vào hỗn loạn.
Trong nhiều năm qua, chính quyền trung ương Trung Quốc đã cố gắng cải tổ hệ thống tài chính trong bóng tối này, nhưng những khoản nợ không xuất hiện trong các bảng cân đối tài chính công chậm lộ ra. Giống như trong hệ thống ngân hàng bóng tối, dù nó không xuất hiện trên sổ sách của ngân hàng, nhưng thực tế ngân hàng vẫn phải trả số nợ đó.
Các chính quyền địa phương dùng tiền thu từ cầu, đường và hệ thống cung cấp nước mà họ đã xây để trả nợ. Số thiếu hụt có thể bù đắp bằng tiền bán đất, nhưng cách này ngày càng khó khăn. Trong đợt bán hàng năm nay tại 22 thành phố lớn nhất của Trung Quốc, tiền thu về chỉ cao hơn 4,7% so với mức khởi điểm mà chính quyền đưa ra, theo nghiên cứu của hãng Enodo Economics. Cuộc khủng hoảng của Evergrande với khoản nợ 300 tỷ USD và đà suy giảm của thị trường bất động sản nói chung khiến nhu cầu mua đất càng giảm.
Nhiều chính quyền địa phương có vẻ đang chuẩn bị cho một trận bão tài chính. Liễu Châu đã dùng khoảng 20 tỷ tệ từ các quỹ công để bù đắp thiếu hụt vốn tại Tập đoàn đầu tư và phát triển Dongton, một tổ chức đã bị Fitch hạ mức tín nhiệm từ tháng 8 năm nay.
Các LGFV ở TP Trùng Khánh, tỉnh Quảng Tây, Giang Tô và Vân Nam cũng đang gặp vấn đề tương tự.
Giá trị của tổng số trái phiếu địa phương ở Trung Quốc lên đến 11,9 nghìn tỷ tệ, tính đến tháng 6 năm nay.
Sự thay đổi về thái độ của chính phủ trong việc bảo đảm ngầm cho các LGFV có thể thay đổi hành vi của các nhà đầu tư. Một thông tư nội bộ mang tên “Tài liệu số 15” do cơ quan quản lý ngân hàng ban hành từ tháng 7 đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất không cho một số LGFV tiếp cận vốn. Nếu giữ nguyên như vậy, quy định mới có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tiền mặt đối với các đơn vị phát hành trái phiếu, tương tự cách siết khiến Evergrande rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, tài liệu đã nhanh chóng bị hủy bỏ. Để các LGFV sụp đổ là giới hạn mà chính quyền trung ương Trung Quốc chưa dám chấp nhận.
Bên cạnh đó, nhiều ngành khác không còn được chính phủ trung ương hậu thuẫn nữa. Việc chính quyền trung ương không kiên quyết chấm dứt ủng hộ ngầm các LGFV vào đầu năm nay khiến nhiều nhà quản lý tài sản ở Trung Quốc nghĩ rằng vẫn LGFV an toàn.