Núi nợ tăng, sức mua giảm khiến kinh tế Trung Quốc trì trệ

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi về mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ không phải là lý do duy nhất dẫn đến mức tăng trưởng kém của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giới phân tích cho rằng núi nợ ngày càng gia tăng trong nền kinh tế cộng với sức mua kém của người dân mới là những nguyên nhân lớn khiến Trung Quốc tăng trưởng trì trệ.

Mức tăng trưởng kinh tế 6,2% của Trung Quốc trong quí 2-2019 là mức yếu nhất kể từ lúc chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu tăng trưởng hàng quí kể từ năm 1992.

Ngay sau khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng các đòn thuế của Mỹ đã tác động mạnh đến các công ty đang muốn rời khỏi Trung Quốc để đến những nước không bị Mỹ đánh thuế.

Dù ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại vào cuối tháng trước, các gói thuế đánh vào 250 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc vẫn giữ nguyên và đang giáng đòn nặng nề đối với lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp của Trung Quốc. Một số công ty Mỹ đã chuyển các nhà cung ứng của họ sang các nước châu Á khác như Việt Nam, Hàn Quốc và Bangladesh.

Song giới phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài hơn một năm qua không phải là yếu tố lớn nhất khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trì trệ. Họ cho rằng núi nợ đang gia tăng trong nền kinh tế và sức mua giảm sút của người tiêu dùng trong nước mới là những lý do sâu xa khiến kinh tế Trung Quốc chững lại.

 Ngành sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn từ các vụ nỡ nợ đang tăng nhanh cho đến sức mua kém của người kém của người dân trong nước. Ảnh: Reuters

Ngành sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn từ các vụ nỡ nợ đang tăng nhanh cho đến sức mua kém của người kém của người dân trong nước. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã xoay sở trong nhiều năm trời để khống chế các mức nợ bắt đầu tăng nhanh sau khi gói kích thích khổng lồ được Bắc Kinh tung ra để ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính toản cầu năm 2018. Dù giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng gói kích thích này đã dẫn đến núi nợ 40.000 tỉ đô la bao gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình ở Trung Quốc.

Mức nợ này tương đương hơn 300% tổng giá trị GDP của Trung Quốc ở thời điểm tháng 3-2019, theo một báo cáo công bố trong tuần qua của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở ở Washington.

Báo cáo cho biết tổng nợ của Trung quốc giờ đây chiếm đến 15% tổng nợ toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực khống chế núi nợ bằng cách thắt chặt các quy định quản lý trong hệ thống tài chính, thu hẹp hoạt động cho vay của các ngân hàng và dẹp các hoạt động cho vay rủi ro từ hệ thống ngân hàng bóng tối (shadow bank system).

Tuy nhiên, nỗ lực giảm sự phụ thuộc tăng trưởng của Trung Quốc vào vay nợ cũng khiến các công ty khó tìm kiếm các khoản vay từ các ngân hàng, đặc biệt là các công ty tư nhân. Năm ngoái, số vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục. Trong 6 tháng đầu năm nay, số vụ vỡ nợ tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thống kế của công ty dữ liệu tài chính Wind (Trung Quốc).

“Tín dụng vẫn không chảy vào các ngành đang cần tiền vay nhất”, Stephen Innes, đối tác quản lý của công ty đầu tư Vanguard Markets (Singapore), nói. Innes ước tính khoảng 50% số vụ vỡ nợ xảy ra ở khu vực sản xuất của Trung Quốc và phần lớn các vụ vỡ nợ này liên quan đến các công ty tư nhân.

Đà tăng trưởng tụt giảm trong quí 2 năm nay một phần là do người tiêu dùng Trung Quốc trì hoãn chi tiêu vì lo lắng triển vọng của nền kinh tế và các mức nợ cá nhân đang tăng cao.

Giá bất động sản duy trì ở mức cao cũng kìm hãm sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc. Doanh thu bán lẻ của Trung Quốc tăng 8,4% trong nửa đầu năm 2019, giảm so với mức 9% của cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến một số công ty lớn nhất thế giới bị tổn thương. Doanh thu của Apple ở vùng Trung Quốc mở rộng (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông) giảm 21,5% trong quí 2-2019 so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số ô tô yếu ớt cũng tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc. Tổng chi tiêu mua sắm xe cộ ở Trung chỉ tăng 1,2% trong 6 tháng đầu năm nay. Hãng xe Ford và General Motors cho biết doanh số bán xe của họ ở Trung Quốc trong quí 2 lần lượt giảm 22% và 12%.

Thực tế, nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ nhiều năm trước khi chiến tranh thương mại nổ ra. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức cao kỷ lục 14,2% trong năm 2007 nhưng rơi vào đà giảm dần đều kể từ sau đó khi Trung Quốc vật lộn với nhiều sức ép đối với nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay về mức 6-6,5%. Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào sản xuất sang mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi công nghệ và dịch vụ cũng góp phần dẫn đến đà tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cắt giảm công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng, đóng tàu, trong khi đó, khuyến khích các công ty trong nước chuyền dịch sang các khu vực có giá trị gia tăng cao hơn.

Sự chuyển đổi này đã dẫn đến sự trỗi dậy của các ông lớn công nghệ như Tencent, Alibaba và Huawei nhưng đồng thời cũng gây ra “những cơn đau” ngày càng gia tăng khi các công nhân trong ngành sản xuất truyền thống phải xoay sở để thích ứng với sự chuyển đổi.

Gần đây, Trung Quốc đã cắt giảm thuế, gia tăng chi tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa nền kinh tế “hạ cánh cứng” (tăng trưởng giảm nhanh đột ngột). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mô hình tăng trưởng dưới sự dẫn dắt và bảo trợ của nhà nước ở Trung Quốc có thể không còn hiệu quả.

“Tiếp tục dựa vào các dự án hạ tầng với mức lợi nhuận biên ngày càng giảm dường như không thể giúp hồi phục kinh tế Trung Quốc và hệ thống phân bổ vốn đầu tư theo định hướng của nhà nước đã tạo ra tình trạng rối rắm bất hợp lý và thiếu hiệu quả”, Brock Silvers, đối tác quản lý ở công ty Kaiyuan Capital tại Thượng Hải, nói.

“Bắc Kinh đã sốt sắng hành động để chấn chỉnh nền kinh tế hưng các phương pháp cũ này có lẽ không chấn chỉnh được các vấn đề mới của Trung Quốc”, ông nói thêm.

Theo CNN

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291722/nui-no-tang-suc-mua-giam-khien-kinh-te-trung-quoc-tri-tre.html