Nước cờ mạo hiểm

Đề xuất của Thủ tướng Anh B.Johnson kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ đã tạo cú sốc trên chính trường 'xứ sở sương mù'. Đặt Quốc hội vào tình trạng 'treo' cho tới sát thời hạn chót Brexit, Thủ tướng Johnson muốn bảo toàn kế hoạch đưa Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) đúng hẹn, dù có hay không có thỏa thuận. Song, chính 'nước cờ mạo hiểm' này lại làm tăng sự bấp bênh trong tiến trình chia tay vốn đã quá phức tạp và khó lường.

Đề xuất của Thủ tướng Anh B.Johnson kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ đã tạo cú sốc trên chính trường “xứ sở sương mù”. Đặt Quốc hội vào tình trạng “treo” cho tới sát thời hạn chót Brexit, Thủ tướng Johnson muốn bảo toàn kế hoạch đưa Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) đúng hẹn, dù có hay không có thỏa thuận. Song, chính “nước cờ mạo hiểm” này lại làm tăng sự bấp bênh trong tiến trình chia tay vốn đã quá phức tạp và khó lường.

Theo lịch hoạt động thường kỳ, Quốc hội Anh hoạt động trở lại từ ngày 3-9 tới, sau kỳ nghỉ hè. Cũng theo thông lệ, dịp này, Quốc hội phải tạm nghỉ họp một số ngày, để các chính đảng lớn tổ chức các hội nghị hằng năm; cụ thể, đảng Dân chủ đối lập dự kiến họp ngày 14-9 và đảng Bảo thủ cầm quyền họp ngày 2-10 tới. Tuy nhiên, theo đề xuất Thủ tướng B.Johnsonn trình Nữ hoàng Anh thông qua, sau khi làm việc trở lại, các nghị sĩ Anh tiếp tục nghỉ từ ngày 10-9 tới 14-10, chỉ hai tuần trước hạn chót Brexit ngày 31-10.

Theo lý giải của Thủ tướng Johnson, các nghị sĩ Anh hoàn toàn có đủ thời gian để thảo luận về thỏa thuận Brexit, mà ông tự tin sẽ đạt được sau cuộc đàm phán cùng giới lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU), dự kiến ngày 17-10 tới, chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Anh khai họp trở lại. Thủ tướng nhấn mạnh, vẫn còn hai tuần để Hạ viện xem xét thông qua bản thỏa thuận mới, đồng thời khẳng định kế hoạch của chính phủ sẽ bảo đảm tiến trình Brexit đi theo trật tự.

Không phải nghị viện Anh chưa từng kéo dài kỳ nghỉ, song chưa khi nào quá một tuần sau ngày kết thúc hội nghị đảng cuối cùng. Trong khi đó, Thủ tướng Johnson đề xuất các nghị sĩ trở lại làm việc muộn hơn tới 12 ngày, đồng nghĩa đặt Quốc hội Anh vào tình trạng “treo” trong 45 ngày. Và đó là lý do kế hoạch của ông Johnson ngay lập tức gây tranh cãi gay gắt trên chính trường và dư luận nước Anh. Quyết định của ông Johnson bị chỉ trích là phản dân chủ, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và phớt lờ vai trò của nghị viện, chỉ nhằm đạt mục tiêu Brexit không thỏa thuận.

Thực tế, phe phản đối Brexit và cả những người phản đối “Brexit cứng” lo ngại trước bước đi mạo hiểm của Thủ tướng Johnson lần này. Ngay khi lên lãnh đạo chính phủ Anh, ông Johnson đã đánh cược chiếc ghế thủ tướng với tuyên bố “Hành động hay là chết!”, với mục tiêu bằng mọi giá đưa nước Anh rời “mái nhà chung EU” đúng hạn chót (31-10), dù là với kịch bản “Brexit mềm”, hay không có thỏa thuận với Brussels. Một liên minh các đảng đối lập do Công đảng đứng đầu được thành lập nhằm tìm cách ngăn chặn “Brexit cứng”. Liên minh này dự định khởi động một tiến trình pháp lý tại nghị viện ngay khi Quốc hội trở lại làm việc.

Bởi thế, nỗ lực đình chỉ hoạt động của Quốc hội bị phe đối lập chỉ rõ là “chiêu bài” của Thủ tướng Johnson nhằm ngăn cản các nghị sĩ thảo luận và cản trở ông thực thi ý định đưa London rời EU đúng hẹn, dù không có thỏa thuận. “Treo QH” tới sát hạn chót Brexit, Thủ tướng Johnson đã thu hẹp nghiêm trọng cả không gian và thời gian tranh luận về Brexit, tại cả nghị trường lẫn trong dư luận Anh. Bằng cách này, ông Johnson loại bỏ được rất nhiều rủi ro, từ các nghị sĩ chống đối kịch liệt đối với kịch bản “Brexit cứng”. Ý định của ông Johnson càng rõ hơn, khi đặt trong bối cảnh giới chức EU luôn chỉ trích rằng, dù Brussels đã tỏ thiện chí thảo luận một số điểm khúc mắc trong thỏa thuận Brexit, song các nhà đàm phán của Anh đến nay vẫn chưa có đề xuất nào thỏa đáng để thay thế điều khoản gây tranh cãi, và dường như London chỉ tìm cách kéo dài thời gian, tới sát hạn chót Brexit.

Một phong trào chống kế hoạch của Thủ tướng Johnson đã được khởi động, với sự tham gia không chỉ của các thành viên và người ủng hộ Công đảng đối lập, mà cả các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền. Hàng loạt cuộc biểu tình với sự tham gia của cả nghìn người diễn ra ở thủ đô London và nhiều thành phố của nước Anh. Hơn 1,5 triệu người ký đơn trực tuyến, yêu cầu ông Johnson hủy bỏ kế hoạch ngừng hoạt động của Quốc hội. Tỷ lệ phản đối quyết định này, do hãng YouGov khảo sát, tăng từng ngày, sau khi đạt mức 47% ngay khi được công bố.

Với nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Anh, tiến trình Brexit vốn bấp bênh và phức tạp, nay lại rơi vào “ma trận” mới. Nếu Thủ tướng Johnson trở về từ Brussels sau cuộc thảo luận với giới lãnh đạo EU sắp tới, với một thỏa thuận Brexit mới để trình và được Hạ viện Anh thông qua, nước Anh rời EU có thỏa thuận. Nếu không, các lựa chọn lại về vạch xuất phát: Brexit không thỏa thuận; Brexit bị tạm hoãn; hoặc Brexit bị hủy bỏ; thậm chí Brexit lại được quyết định trong một cuộc trưng cầu ý dân nữa.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41427202-nuoc-co-mao-hiem.html