Nước giàu nhất châu Phi có nguy cơ rơi vào nạn đói

Các cơ quan của Liên hợp quốc cảnh báo, Nigeria có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất nếu chính phủ nước này không có hành động đối phó khẩn cấp.

Adamawa, Yobe và Borno là các bang được cho là nơi xảy ra nhiều vụ bắt cóc, cướp bóc và các cuộc tấn công của phiến quân Boko Haram tràn lan làm ảnh hưởng đến sản lượng mùa màng, nhiều người dân thiếu lương thực.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) đã dự đoán rằng khoảng 25 triệu người ở Nigeria sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong “mùa đói” kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8.

 Nigeria là một trong số nhiều quốc gia châu Phi bị rơi vào nạn đói. Ảnh: DW.

Nigeria là một trong số nhiều quốc gia châu Phi bị rơi vào nạn đói. Ảnh: DW.

Đặc biệt, các cô gái trẻ và phụ nữ sống trong các trại dành cho người tản cư trong nước (IDP) dự kiến sẽ phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng.

Theo Tiến sĩ Yunusu Halidu Yabwa, thư ký quốc gia của Hiệp hội Nông dân Nigeria (AFAN), Nigeria có thời tiết tốt và thảm thực vật quan trọng đối với sản xuất cây trồng.

Tuy nhiên, tình trạng mất an ninh ở phía Bắc đã cản trở nỗ lực trồng trọt của nông dân, ông nói.

"Nigeria từng được biết đến như một giỏ thực phẩm của thế giới," Yabwa nói thêm. "Khu vực miền Bắc Nigeria đã từng có thể canh tác với số lượng lớn nhưng giờ đây là những khu vực cấm đi lại vì những kẻ bắt cóc và Boko Haram."

Khoảng 4,4 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vào năm 2023 tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc.

Matthias Schmale, điều phối viên của OCHA tại Nigeria, cho biết tình hình ở đông bắc Nigeria rất đáng báo động.

"Tôi rất lo lắng, đặc biệt là về trẻ em. Nếu chúng ta không tăng cường tài trợ và không thể làm nhiều hơn nữa, 700.000 trẻ em sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng", Schamale nói.

Schmale chỉ ra rằng thế giới đang tập trung vào các cuộc xung đột khác, đặc biệt là ở Ukraine và Sudan.

Schmale nói thêm: “Cuộc chiến ở Ukraine đã chuyển hướng các nguồn lực và chúng tôi có các chiến trường hoạt động khác, như Sudan, đang cạnh tranh để thu hút sự chú ý với vùng Đông Bắc Nigeria.

OCHA thông báo rằng họ sẽ triệu tập các cộng đồng địa phương để có hành động khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng lương thực.

Trong khi đó, Đông Bắc Nigeria tiếp tục phải vật lộn với cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ, bất ổn kinh tế và tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.

Theo OCHA, nhiều năm xung đột và mất an ninh đã ngăn cản nhiều người ở các bang Borno, Adamawa và Yobe trồng trọt những loại lương thực họ cần - hoặc thậm chí kiếm được thu nhập cần thiết để mua lương thực, theo OCHA.

Điệp Nguyễn (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nuoc-giau-nhat-chau-phi-co-nguy-co-roi-vao-nan-doi-post248317.html