Nước lũ dâng cao, huyện Lệ Thủy đề nghị các nhóm tạm dừng cứu trợ

Nước lũ tiếp tục dâng, lãnh đạo huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đề nghị các nhóm đến từ xa tạm dừng hoạt động cứu trợ. Các lực lượng chuyên nghiệp đang chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dân cùng tài sản.

Đến chiều 28/10, một số khu vực ở Quảng Bình vẫn đang có mưa lớn. Theo dự báo, nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài, một số địa phương ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh sẽ hứng chịu trận lũ lịch sử, hơn cả đợt tháng 10/2020.

Nước đang tiếp tục lên, người dân vùng ngập lụt di chuyển bằng thuyền. Ảnh: CTV

Nước đang tiếp tục lên, người dân vùng ngập lụt di chuyển bằng thuyền. Ảnh: CTV

Hơn 20.000 ngôi nhà của người dân ở 2 huyện này đang bị ngập sâu trong nước. Nhiều nơi nước ngập đến hơn 2m, phương tiện di chuyển của người dân chủ yếu là thuyền nhỏ.

Các lực lượng chuyên nghiệp như công an, quân đội và địa phương chủ động công tác cứu trợ. Ảnh: Nguyễn Chiến

Các lực lượng chuyên nghiệp như công an, quân đội và địa phương chủ động công tác cứu trợ. Ảnh: Nguyễn Chiến

Nắm bắt được thông tin, các nhóm cứu hộ từ các địa phương lân cận như TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã điều động nhân lực cùng xuồng, cano đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đưa người già, người bị bệnh đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Chiến

Đưa người già, người bị bệnh đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Chiến

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, huyện đã nhận được liên hệ từ một số nhóm cứu hộ sẵn sàng hỗ trợ. Ông bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần của các đội nhóm đã vượt qua khó khăn, mưa gió để giúp đỡ người dân.

Các đội cứu hộ vào khu vực nước đang lên cao sẽ gặp nguy cơ mất an toàn. Ảnh: CTV.

Các đội cứu hộ vào khu vực nước đang lên cao sẽ gặp nguy cơ mất an toàn. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, mực nước đang lên cao, sóng to, khiến việc tiếp cận khu vực gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo an toàn. Các nhóm cứu hộ từ xa thường không quen thuộc với con nước và địa hình, vì vậy việc sử dụng xuồng, cano trong điều kiện này có thể gây nguy hiểm cho nhân sự của các đội.

Ông Sơn cho biết: “Hiện huyện đang phối hợp với các lực lượng chuyên nghiệp như công an, quân đội và chính quyền địa phương để chủ động cứu trợ, ưu tiên an toàn cho con người. Chúng tôi rất mong các nhóm cứu hộ từ các địa phương khác tạm dừng hoạt động cứu trợ. Khi mực nước đảm bảo an toàn, các đội, nhóm có thể vào hỗ trợ người dân.”

Người dân di chuyển bằng thuyền nhỏ. Ảnh: CTV

Người dân di chuyển bằng thuyền nhỏ. Ảnh: CTV

Lực lượng Công an Quảng Bình tiếp cận các vùng ngập lụt. Ảnh: CTV

Lực lượng Công an Quảng Bình tiếp cận các vùng ngập lụt. Ảnh: CTV

Chiều nay, ông P.V.C. (SN 1960, trú tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh), trong lúc chuẩn bị thuyền để đi chở đồ không may gặp luồng nước chảy xiết, cuốn thuyền lật khiến ông C. mất tích.

Di chuyển người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Chiến

Di chuyển người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Chiến

Nhận tin báo, chính quyền xã Gia Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Quảng Ninh nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện tìm kiếm.

Tuy nhiên do nước lũ dâng cao, gây ngập cả một vùng rộng lớn nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh nguy cơ hứng chịu trận lũ lịch sử, vượt qua ngưỡng tháng 10/2020. Ảnh: Nguyễn Chiến

2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh nguy cơ hứng chịu trận lũ lịch sử, vượt qua ngưỡng tháng 10/2020. Ảnh: Nguyễn Chiến

Hải Sâm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nuoc-lu-dang-cao-huyen-le-thuy-de-nghi-cac-nhom-tam-dung-cuu-tro-2336502.html