Nước mắt chảy xuôi, nhưng nước mắt cũng cần chảy ngược!
Nước mắt chảy xuôi dường như đã trở thành một câu thành ngữ quen thuộc trong xã hội chúng ta, nơi mà sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái luôn là điều đương nhiên, là truyền thống bao đời. Nhưng, điều đó có thực sự là tốt, cho cả cha mẹ và con cái?
Tách biệt, quay lưng với cha mẹ: Tư duy kiểu Tây của người trẻ hiện đại?
Phan Lina là một du học sinh ở Mỹ, chuyên ngành dược, tên thật của cô là Phan Thị Kim Thanh. Vừa ra trường với tấm bằng ưu, tính cách năng động, tự tin, Lina đã được một công ty chuyên sản xuất dược phẩm của Mỹ nhận làm với mức lương cao. Theo kế hoạch của Lina, cô sẽ đi làm, kết hôn và định cư lâu dài tại Mỹ.
Nhiều người hỏi, Lina sẽ dự tính gì cho cha mẹ, vì nhà cô khá neo người: chị gái lấy chồng xa, hiện cha mẹ cô chỉ sống một mình, không có con cái bên cạnh. Lina bảo, cô chưa tính toán gì được, bởi cô thấy việc cha mẹ sống xa con cái, hai ông bà sống với nhau cũng không phải chuyện gì quá nghiêm trọng. Theo Lina, tại Mỹ, hầu hết cha mẹ và con cái không sống chung, sống gần với nhau, hoặc ở những bang cách xa nhau hàng ngàn cây số là chuyện thường.
Thậm chí, con cái có nhà cửa rộng rãi, khá giả, nhưng cha mẹ neo đơn, vào viện dưỡng lão cũng là điều rất phổ biến, không ai xem đó như hành động “bất hiếu”. Quan niệm của Lina cũng giống với những người trẻ ở Mỹ: Cha mẹ và con cái mỗi người có đời sống riêng, độc lập, chỉ cần thi thoảng thăm hỏi, quan tâm nhau là được.
Không chỉ có những người trẻ ở Mỹ hay các nước phát triển, ngay tại Việt Nam hiện nay, cũng không ít luồng quan điểm của các bạn trẻ về sự “độc lập” với gia đình. Ngay từ khi họ bắt đầu tự chủ về tài chính, thì đã xác lập chuyện “tự chủ” về cuộc sống”: Ra riêng, tự quyết trong mọi chuyện, từ sự nghiệp đến tình cảm, hôn nhân… Có người, sự “độc lập” ấy ở mức độ tương đối, nghĩa là sống riêng, tách biệt về mặt không gian, nhưng cũng có những người con, sự “độc lập” của họ bị đẩy đến mức, thời gian dành cho cha mẹ hầu như không có trong cuộc sống với quá nhiều mối bận tâm của họ, từ năm nay đến tháng khác.
Nguyễn Trần Minh T. (ngụ Ngô Tất Tố, Bình Thạnh, TP.HCM), là một “điển hình” của những người đàn ông trung niên thành đạt: 41 tuổi, làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh điện lạnh, một vợ, hai con, nhà lầu, xe hơi đủ cả. Thế nhưng, mỗi một năm, anh gửi về cho cha mẹ già ở quê chưa đến hai chục triệu để lo cho cuộc sống ông bà. Chuyện gửi tiền anh cũng giao hết cho vợ lo, vợ nhớ ra thì gửi, không thì anh cũng chẳng để tâm. Quê ở Ninh Thuận, cách TP.HCM chỉ hơn 400km, thế nhưng, gia đình anh đã ba năm nay chưa dắt nhau về thăm quê, dù đi du lịch, đi nước ngoài như đi chợ. Kể cá dịp Tết, năm thì cả nhà bận đi ăn Tết Hàn Quốc, Tết Singapore “thử xem có gì khác không”, năm thì cha mẹ vợ từ nước ngoài về, phải ở lại TP… Cứ thế, ngày tháng trôi tuột đi, cha mẹ anh nhiều lần gọi vào than thở nhớ con, thì anh cho là các cụ già rồi phiền quá.
Có người thắc mắc, sao nhà cửa rộng rãi, không đón các cụ vào sống, vì các cụ sống ở quê cực nhọc quá, nắng gió, mà hai người em của anh cũng nghèo, không đỡ đần được cho ông bà, anh trả lời: Ông bà sống ở quê quen rồi, vào thành phố sống không nổi đâu, lại đòi về ấy mà. Thực tế, điều anh không nói, đó là cách đây nhiều năm, các cụ từng vào sống vài tháng, nhưng sau đó, vợ anh làm áp lực bắt chồng phải đưa cha mẹ về quê, vì không quen trong nhà có người già, có cha mẹ chồng. Bản thân anh từ khi đi làm, xa nhà, không quen sống chung với cha mẹ nữa, cũng thấy phiền, thấy bất tiện, ảnh hưởng đời sống gia đình nhỏ của anh. Bởi thế, quan niệm của anh là, cứ “ai ở nhà nấy”, không qua lại, chăm sóc nhiều, như các nước phương Tây ấy, thì đỡ phiền toái.
Bao biện cho lối sống ích kỉ?
Quả thật, cách sống con cái và cha mẹ tách biệt, con cái không chịu nhiều trách nhiệm với cha mẹ khá phổ biến ở các nước phương Tây. Và ở Việt Nam, một đất nước đang có sự giao thoa, hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều người trẻ vin vào cách sống của xã hội phương Tây để làm chuẩn mực cho mình. Tuy nhiên, những người “sao chép” lối sống ấy hoàn toàn quên mất một điều, văn hóa sống ở mỗi nơi mỗi khác.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở các nước phát triển thường độc lập, xa cách và “tự lo” hơn. Nhưng nếu nhìn nhận lại, thì con cái ở các xã hội phát triển này, ngay từ nhỏ đã được giáo dục tính độc lập, tự chăm lo cho đời sống của mình. 18 tuổi, đa phần thanh niên các nước phát triển đều phải tự đi làm thêm, sống riêng, mưu sinh để tự trang trải chi phí học hành, ăn ở.
Họ cũng phải tự lo lắng cho cuộc sống của mình: Lấy vợ, sinh con, mua nhà… tất tần tật đều phải tự thân vận động. Còn ở Việt Nam, rất phổ biến cảnh cha mẹ nuôi con cái một cách “bao cấp” đến học xong đại học, thậm chí đến khi đi làm, vẫn sống chung với cha mẹ, được cha mẹ nuôi ăn ở.
Các bậc cha mẹ ở Việt Nam, ai cũng có quan niệm “cày” cật lực để đời con được hưởng sung sướng, cho con một cơ ngơi, hay ít nhất một mảnh đất, cái nhà, rồi tiền hỏi vợ, gả chồng cho con. Cha mẹ phương Tây không phải cật lực nai lưng ra để “bao cấp” cho con mình một cuộc sống thoải mái, họ để cho chúng tự lập, và biết hưởng thụ cuộc sống, biết sống cho bản thân mình nhiều hơn. Chính vì xuất phát điểm ấy, quan niệm sống ấy, nên dẫn đến sự riêng tự, độc lập, ít ràng buộc trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái. Trong khi, cha mẹ Việt, với quan niệm sống “yêu thương là hy sinh”, đã dành hết bản thân để chăm lo, yêu thương con cái cho đến cả lúc tuổi già vẫn không hết thương, lo.
Bản chất tình yêu thương của cha mẹ là nước mắt chảy xuôi, là cho đi và chỉ mong con sống tốt, không cần đáp đền. Nhưng, sự hiếu thảo với cha mẹ là lẽ sống cần, nên có, trong mọi xã hội. Trong khi xã hội phương Tây ngày càng tiệm cận hơn với văn hóa phương Đông, và không ít người phương Tây bắt đầu học hỏi một số truyền thống tốt đẹp của người phương Đông như sự gắn kết gia đình, lòng hiếu với mẹ cha, thì nhiều người Việt lại đem lối sống Tây hóa áp dụng cho bản thân mình.
Liệu, quan điểm sống độc lập, tách biệt, không trách nhiệm theo kiểu phương Tây, phải chăng chỉ là sự bao biện cho một thói quen sống ích kỉ, chỉ biết nhận mà không biết cho, biết đáp đền? Nước mắt chảy xuôi, là lẽ thường, nhưng nước mắt cũng nên chảy ngược, đó chính là lẽ phải, là đạo sống của mỗi người con.