Nước mắt con trẻ trong phiên tòa vợ chồng tranh quyền nuôi con

Phiên xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người vợ, đồng nghĩa người chồng mất quyền nuôi con. Có người nói, phiên tòa kẻ thắng, người thua như canh bạc để thỏa lòng ích kỷ của người lớn, chỉ có con trẻ là mất mát…

Phiên tòa bên thắng, bên thua nhưng thất cả đều mất vì không có một mái ấm gia đình (ảnh minh họa)

Phiên tòa bên thắng, bên thua nhưng thất cả đều mất vì không có một mái ấm gia đình (ảnh minh họa)

Khi HĐXX- TAND TP HCM kết thúc lời tuyên án, người phụ nữ, bị đơn trong vụ án đã vỡ òa trong nước mắt. Người dự khán chứng kiến cảnh đứa con thơ ôm chầm lấy mẹ mình và vị luật sư bào chữa vì không thêm lần nữa chia lìa cũng thấy lòng chùng lại. Nhưng cũng ở trong khuôn viên của phiên tòa, có người đàn ông luống tuổi đang sững người thất vọng. Khi bước qua tuổi 60 người đàn ông ấy không vợ, không con cái bên cạnh.

Ông Nguyễn Việt Hồng (60 tuổi) và bà Lê Kim Loan vốn người gốc Hà Nội, xuất thân trong gia đình căn bản. Hai người có công việc ổn định, có điều kiện kinh tế vững, thuận tình kết hôn. Cả hai có với nhau hai cô con gái, đứa lớn sinh năm 2005, đứa nhỏ sinh năm 2008. Cuộc sống gia đình giai đoạn đầu êm ấm nhưng về sau nảy sinh những khúc mắc, mâu thuẫn. Hai người đều cố gắng dung hòa xem như để con cái có cha, có mẹ.

Thế nhưng, những rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng giữa ông Hồng và bà Loan ngày càng không thể hàn gắn. Năm 2015, cả hai quyết định đưa nhau ra TAND quận Đống Đa yêu cầu được xử cho ly hôn. Ngày cha mẹ chia tay, cô con gái đầu mới 10 tuổi, cô em gái mới 8 tuổi. Cha mẹ đốp chát cãi nhau tại tòa chúng cũng chỉ tưởng chừng như bao cuộc cãi vã khác, rồi đâu lại vào đấy. Chúng không hình dung được cảnh gia đình tan tác kể từ sau phiên xét xử ấy.

Kết quả phiên tòa, HĐXX công nhận cho ông Hồng và bà Loan được ly hôn. Về con chung, do hai cô con cái còn nhỏ nên ông Hồng đồng ý cho giao quyền nuôi con cho bà Loan. Sau ly hôn, bà Loan dắt hai cô con gái rời Hà Nội vào nam như trốn chạy quá khứ buồn. Ông Hồng ở lại đất Bắc tiếp tục với công việc công ty. Ở TP HCM bà Loan có công việc mới ổn định, có điều kiện kinh tế và một mình nuôi 2 con ăn học. Sau ly hôn ông Hồng thường gọi điện hỏi thăm con qua điện thoại, khi nhớ con quá thì bay vào thăm.

Những đứa trẻ lớn lên khi cha mẹ tan vỡ thường tâm hồn khó có thể lành lặn. Trẻ thơ gần ai thì quý người đó. Qua tiếp xúc nói chuyện, ông Hồng cảm nhận có khoảng cách của những đứa con đối với mình. Có con mà như người xa lạ, mỗi lần gặp con vui mừng bao nhiêu thì về nhà ông xót xa bấy nhiêu. Khi tuổi già ập đến ông Hồng nhận ra sự trống trải thực sự. Công việc cho ông tất cả tiền bạc, địa vị, quan hệ…nhưng ông không mua được mái ấm gia đình, nhất là những đứa con. Ông hình dung được sự côn đơn lúc cuối đời. Vì lẽ đó, ông quyết định gửi đơn khởi kiện ra TAND Quận 4, nơi bà Loan sinh sống để yêu cầu được giải quyết thay đổi quyền nuôi con.

Yêu cầu khởi kiện ông Hồng viện dẫn việc bà Loan ngăn cấm quyền thăm con. Ông cho rằng, người vợ cũ luôn tiêm nhiễm những đứa con về hình ảnh người cha xấu xa, khiến chúng có thành kiến, ác cảm với ông. Bà Loan không đồng ý giao con cho ông Hồng, bà cho rằng vì hai cháu là con gái, đang ở tuổi dậy thì và đang học ở TP HCM ổn định nên sự thay đổi là không thể. Các buổi hòa giải tại tòa, hai cô bé đều thể hiện nguyện vọng là tiếp tục được chung sống với mẹ. TAND Quận 4 nhận định, ông Hồng sống cô đơn một mình và đã 60 tuổi nên cần người chăm sóc, nuôi dưỡng khi về già. Từ đó, Tòa đã tuyên giao cháu C. cho ông Hồng nuôi dưỡng, còn bà Loan tiếp tục nuôi cháu A.

Phiên tòa một lần nữa xáo trộn cuộc sống của mẹ con bà Loan. Hai bé gái từ nhỏ đã chứng kiến cha mẹ chia tay, lớn lên luôn quấn quýt bên nhau nay đứng trước nguy cơ chia cắt. Tâm hồn của những đứa trẻ vốn dĩ đã tổn thương, nay lại một thêm rạn nứt. Chúng lo sợ và khóc nhiều vì sợ phải xa mẹ, chị em phải chia cắt. Bà Loan mang nặng đẻ đau, khổ cực nuôi con nay không nỡ chia lìa, bà quyết định kháng cáo bản án. Cuộc giành giật quyền nuôi con giữa hai người trở nên phức tạp. Trước phiên tòa phúc thẩm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết đã cử một chuyên gia bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới đến tham gia buổi làm việc tại tòa để tiếp xúc, tìm hiểu tâm lý trẻ em.

Kết quả nhận định, hai trẻ C. và A. đều thể hiện tình cảm với mẹ nhiều hơn cha. Các cháu tự viết suy nghĩ của mình là cùng muốn sống chung với mẹ. Với chức năng là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ em, sở đề nghị tòa có quyết định trao hai trẻ cho người mẹ tiếp tục nuôi. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 05/03, HĐXX nhận định: Căn cứ vào giấy xác nhận của các công ty nơi bà Loan và ông Hồng làm việc, căn cứ vào giấy chứng nhận các bất động sản thì cả hai đều đáp ứng đủ các điều kiện vật chất để nuôi con.

Tuy nhiên, HĐXX xét ông Hồng đòi quyền được trực tiếp nuôi hai con với lý do bà Loan cản trở ông trong việc thăm con và nói xấu ông trước mặt các con, không đảm bảo giáo dục các con nhưng ông lại không cung cấp được các chứng cứ chứng minh. Trong khi hai cô con gái có nguyện vọng được ở với mẹ và muốn được đi học tại trường hiện tại ở Thành phố Hồ Chí Minh nên yêu cầu khởi kiện của ông Hồng không có căn cứ.

Từ các căn cứ trên, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm TAND Quận 4 tuyên giao một bé cho ông Hồng trực tiếp nuôi dưỡng là không phù hợp với quy định tại Điều 84, Luật Hôn nhân và Gia đình. Vì thế, Tòa bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Hồng, sửa án sơ thẩm tuyên giao cả hai cháu bé cho bà Loan tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.

Phiên tòa kết thúc, mẹ con bà Loan vỡ òa trong nước mắt vì không phải chia cắt. Ông Hồng thêm lần thất vọng vì các con trước mặt vẫn như xa vạn dặm. Phiên tòa có bên thắng, bên thua, nhưng tất cả cùng mất vì không thể có một gia đình trọn vẹn, trong đó những đứa trẻ là chịu tổn thương thiệt thòi hơn tất cả cũng chỉ vì cái tôi, sự toan tính ích kỷ của những bậc làm cha làm mẹ.

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/nuoc-mat-con-tre-trong-phien-toa-vo-chong-tranh-quyen-nuoi-con-74659.html