Nước Mỹ đã chuẩn bị gì cho ngày bầu cử?
Ngày mai (5/11), nước Mỹ bước vào cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Cuộc đua vào Nhà Trắng nhận được sự quan tâm trên hết, cử tri sẽ phải lựa chọn giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris làm người chèo lái 'con thuyền nước Mỹ' trong 4 năm tiếp theo.
Tính tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này đã hầu như hoàn tất, trong đó, đáng chú ý là việc ứng phó với rối ren hậu bầu cử gồm thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, đe dọa và thậm chí là cả nguy cơ xảy ra bạo lực tại những bang “chiến trường” cạnh tranh nhất.
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Tại Philadelphia, Detroit và Atlanta, 3 trong số những bang được cho là nơi cựu Tổng thống Donald Trump hay khiếu nại về gian lận bầu cử, giới chức trách đã có những biện pháp tránh tái diễn sự hỗn loạn của năm 2020. Kho kiểm phiếu của Philadelphia hiện được bao quanh bởi hàng rào có dây thép gai. Tại Detroit và Atlanta, một số văn phòng bầu cử được bảo vệ bằng kính chống đạn.
Trong khi đó, tại Wisconsin, các nhân viên bầu cử đã được đào tạo về các kỹ thuật kiềm chế bạo lực và các trạm bỏ phiếu được sắp xếp lại để nhân viên có đường thoát hiểm trong trường hợp bị người biểu tình đe dọa. Tại Arizona, một tâm chấn năm 2020 về các khiếu nại gian lận do đảng Cộng hòa cáo buộc, giới chức địa phương cũng đang triển khai các công tác tập huấn ứng phó với thông tin sai lệch, bao gồm cả hình ảnh và chiêu trò giả mạo. Khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ có thể sẽ có cuộc đua sít sao vào ngày 5/11 (giờ địa phương), nhiều quan chức nói rằng họ không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra. Các quan chức bầu cử cho biết, một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là kết quả sát nút, và mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào các cuộc chiến tại tòa án về số lượng nhỏ các lá phiếu tranh chấp.
Ngoài những “chiến trường” kể trên, giới chức bầu cử ở Arizona, Nevada, Wisconsin và North Carolina cũng đang gấp rút công tác chuẩn bị cho các tình huống. Người phát ngôn Hội đồng Bầu cử bang North Carolina Patrick Gannon cho biết, một số văn phòng bầu cử địa phương đã lắp đặt nút báo động, kính chống đạn, camera an ninh và cửa nặng hơn. Các quan chức cũng đã được đào tạo để đối phó và xoa dịu những cử tri bất bình, trong khi cảnh sát đã được cung cấp hướng dẫn bỏ túi về luật bầu cử để chuẩn bị cho những thách thức gia tăng. Nevada, nơi cuộc bầu cử năm 2020 không được công bố cho đến 4 ngày sau khi các lá phiếu cuối cùng được bỏ, đã thay đổi luật và thủ tục để đẩy nhanh việc kiểm phiếu và gia tăng uy tín cho kết quả. Lần đầu tiên, các lá phiếu gửi qua thư được kiểm đếm bắt đầu từ 2 tuần trước “Ngày bầu cử”. Cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri tập trung mới trên toàn bang cho phép công dân theo dõi các lá phiếu của họ và đảm bảo rằng chúng phản ánh chính xác các lựa chọn, điều mà giới chức hy vọng sẽ dập tắt những lo ngại về gian lận diện rộng. Tại Arizona, các quan chức bầu cử cũng đã được đào tạo để ứng phó với thông tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra về cuộc bầu cử trong khi cơ quan lập pháp của Wisconsin đã thông qua dự luật bảo vệ bầu cử trong năm nay, quy định tội danh mới là hành hung viên chức bầu cử. Một số thành phố đã thúc đẩy thông qua các sắc lệnh nhằm vào những người tìm cách phá hoại việc bỏ phiếu.
Giới chức Mỹ cũng đã triển khai một loạt biện pháp nhằm đảm bảo tính an toàn và minh bạch của cuộc bầu cử. Các hệ thống kiểm phiếu điện tử hiện đại và bảo mật mạng đang được thử nghiệm và cập nhật liên tục. Các cơ quan chức năng như Bộ An ninh Nội địa (DHS), Cục Điều tra liên bang (FBI) và các bang đã cùng phối hợp để phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. Tại các điểm bỏ phiếu, lực lượng cảnh sát và bảo vệ đã được huy động để phòng ngừa nguy cơ bạo lực, cũng như ứng phó kịp thời với các sự cố bất thường. Chính quyền Mỹ cũng thực hiện giám sát chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và TikTok. Mục đích là nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ các nội dung tin giả, thông tin sai lệch nhằm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ở chiều ngược lại, các nền tảng này đã chủ động thiết lập các trung tâm kiểm duyệt thông tin và thực hiện các quy định mới để ngăn chặn việc phát tán tin tức sai lệch. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội còn hợp tác với chính phủ trong việc theo dõi và ngăn chặn các tài khoản giả mạo hoặc liên quan đến các nhóm tin tặc. Những tài khoản này thường lợi dụng các sự kiện chính trị nóng bỏng để gieo rắc những quan điểm sai lệch, kích động chia rẽ. Không chỉ dừng lại ở các biện pháp an ninh trong nước, Mỹ cũng tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn ngừa các mối đe dọa từ bên ngoài. Các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp và Đức, cũng như các tổ chức quốc tế như NATO, đã tích cực tham gia vào các sáng kiến chung nhằm bảo vệ an ninh bầu cử.
Kết quả khó đoán định
Cuộc bầu cử năm nay chứng kiến cuộc bám đuổi sát nút giữa hai ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa tại 7 bang chiến địa ngay trước giờ G. Tại 3 trong số 7 bang đó – được gọi là “Bức tường xanh” gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, cách biệt giữa hai ứng cử viên là dưới 1%. Gần 70 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, nhưng việc suy đoán kết quả cuối cùng từ các số liệu bỏ phiếu sớm thường không đáng tin cậy. Truyền thông Mỹ nhận định, rất khó dự đoán kết quả của cuộc bầu cử nếu chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm, bởi có sai số và phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua đang rất gay cấn và có vẻ ông Donald Trump có một chút lợi thế. Cựu Tổng thống Mỹ đang dẫn trước ở nhiều bang chiến trường hơn đối thủ Kamala Harris trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất. Trong cuộc thăm dò của tổ chức Decision Desk HQ (DDHQ), ông Donald Trump dẫn đầu ở 6 bang. Trên các trang web khác, ông dẫn đầu ở 5 bang.
Sự chênh lệch bắt nguồn từ Wisconsin, nơi 3 trang web khác cho thấy bà Kamala Harris dẫn trước và cuộc thăm dò của DDHQ cho thấy ông Donald Trump dẫn trước. Dự báo từ DDHQ và FiveThirtyEight cho thấy ông Donald Trump có lần lượt 54% và 51% cơ hội chiến thắng. Kết quả thăm dò của DDHQ cũng cho thấy, ông Donald Trump có lợi thế lớn nhất trong bất kỳ chiến trường nào ở Arizona, nơi ông dẫn trước 2%. Không xa phía sau là bang Georgia, nơi ông dẫn trước 1,9% và bang North Carolina, nơi ông dẫn trước đối thủ 1,4%. Theo các mô hình dự báo của DDHQ, vị cựu Tổng thống Mỹ có 65% cơ hội chiến thắng ở Georgia, trong khi ông không có quá 53% cơ hội ở bất kỳ bang nào trong 3 bang “Bức tường Xanh”. Điều quan trọng là phải tính đến phiếu đại cử tri ở đây. Các cuộc thăm dò của Marist tại các bang chiến trường Michigan và Pennsylvania được công bố vào hôm 1/11 cho thấy bà Kamala Harris dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa 2 điểm phần trăm ở mỗi bang, 50% so với 48%. Cuộc thăm dò thứ ba đối với cử tri bang Wisconsin cho thấy bà Kamala Harris dẫn trước 3 điểm phần trăm, 51-48%. Nếu bà giành chiến thắng ở 3 bang “Bức tường Xanh”, bà sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, ngay cả khi đối thủ của bà chiến thắng ở 4 bang chiến trường khác - miễn là kết quả tại các bang khác vẫn giữ nguyên như cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trong kịch bản đó, bà Harris sẽ giành chiến thắng với tỷ lệ sít sao nhất có thể là 270 phiếu đại cử tri so với 268 phiếu đại cử tri dành cho ông Trump.
Vấn đề ám ảnh mọi tổ chức thăm dò dư luận có uy tín là liệu mô hình của họ có thể sai lệch hay không. Các cuộc thăm dò về cơ bản là có căn cứ, nhưng nó cũng có thể xảy ra lỗi hệ thống. Trong mỗi cuộc bầu cử, kết quả thăm dò đều có mức độ chênh lệch nhất định với kết quả cuối cùng. Đây là điều không thể tránh khỏi vì các đơn vị thăm dò chỉ có thể ước đoán những ai sẽ thực sự đi bầu. Bên cạnh đó, nhiều người chỉ đưa ra quyết định khi tới hòm phiếu. Một số sự kiện đột xuất cũng có thể xuất hiện ở những phút cuối cùng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/nuoc-my-da-chuan-bi-gi-cho-ngay-bau-cu--i749192/