Nước Nga thay đổi như thế nào sau 2 thập niên cầm quyền của ông Putin?
Giới quan sát chính trị cho rằng sau 20 năm ông Vladimir Putin nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính trường Nga từ tổng thống tới thủ tướng, nước Nga đã có những sự thay đổi ở nhiều lĩnh vực.
Tháng 6/2000, ông Putin có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với một tổng thống Mỹ ở điện Kremlin. Trong lần gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó, ông Putin đã hỏi ông Clinton về việc liệu Nga có thể gia nhập NATO một ngày nào đó hay không. Theo ông Putin, ông Clinton khi đó nói rằng ông không phản đối điều này.
Gần 20 năm sau đó, quan hệ giữa Nga, Mỹ cùng các đồng minh Phương Tây vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, ông Putin vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nước Nga cho tới năm 2024 và ông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối nội và đối ngoại của Nga.
Khôi phục vị thế
Dưới thời ông Putin, Nga đã khôi phục vị thế địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới. Họ giành lại tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, bán hệ thống phòng không cho thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, giao dịch vũ khí với đồng minh chủ chốt của Mỹ, Ả rập Xê út. Nga cũng đang hướng tới mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Phi.
“Nếu bạn so sánh Nga của ngày hôm nay với Nga của năm 2000, khi ông Putin lên nắm quyền, đất nước này đã tốt hơn rất nhiều”, Thomas Graham, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ về chính sách Nga, cho hay.
Theo Bloomberg , một trong những thành tựu đáng kể nhất của Nga là khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu với ngân sách giới hạn. Đơn cử như chi tiêu quốc phòng, Nga năm sau dự kiến sẽ xếp thứ 9 thế giới về ngân sách dành cho quốc phòng (tụt 2 hạng so với năm 2018), tuy nhiên, ông Putin khẳng định rằng Nga đang đi trước một bước các cường quốc trong một số lĩnh vực liên quan tới quân sự.
Hồi đầu tuần, ông Putin tuyên bố rằng Nga là nước đầu tiên triển khai vũ khí siêu thanh có thể tấn công các mục tiêu trên khắp các lục địa. “Liên Xô trước đây luôn phải chơi trò đuổi bắt. Hiện thời, chúng ta đang trong một tình trạng đặc biệt trong lịch sử hiện đại: Họ (các đối thủ của Nga) đang phải cố gắng đuổi theo chúng ta”, ông Putin phát biểu.
"Pháo đài" tài chính
Mặt khác, Bloomberg cho rằng ông Putin hiện đang có sự thận trọng nhất định về mặt tài chính và chính phủ Nga hiện đang có một trong những bảng cân đối chi tiêu “lành mạnh nhất” trên thế giới, nhận được đánh giá cao từ các tổ chức xếp hạng và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Nga đang trong tình trạng thặng dư ngân sách, duy trì các khoản nợ ở mức thấp và sở hữu một trong lượng dự trữ ngoại tệ và vàng lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, Nga đã trở nên thận trọng hơn về mặt kinh tế sau khi bị Mỹ và Phương Tây áp một số lệnh trừng phạt hồi năm 2014 liên quan tới việc Crimea sáp nhập vào Nga.
Mục đích của Nga là tạo nên “pháo đài” tài chính giúp họ có thể vượt qua các lệnh trừng phạt dồn dập từ Phương Tây, đồng thời củng cố năng lực của Nga giữa những “cơn bão kinh tế” như giá dầu giảm hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng sự thận trọng của chính phủ Nga lại khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trở nên chậm chạp, dưới mốc trung bình của thế giới. Trong khi đó, trong vài năm qua, thu nhập thực tế của người dân Nga không thay đổi quá nhiều, cộng với các triển vọng nghề nghiệp cho người trẻ bị thu hẹp, điều có thể kéo theo rủi ro khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Mặc dù vậy, theo Bloomberg , hầu hết những người lớn tuổi từng sống trong “thập niên mất mát” - ám chỉ 10 năm sau sự kiện Liên Xô sụp đổ năm 1991 - đều thừa nhận rằng ông Putin là “cứu tinh” của Nga khi đảo ngược cuộc khủng hoảng kinh tế và thiết lập lại trật tự và luật pháp cho nước Nga.
Một điều nữa phải ghi nhận trong 2 thập nhiên ông Putin điều hành Nga là việc tỉ lệ lạm phát đã được kiểm soát cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.
Nga cùng với sự hỗ trợ từ một số nước khác, đang xây dựng rào cản để bảo vệ nên kinh tế Nga khỏi những rủi ro của hệ thống tài chính dùng đồng USD và ảnh hưởng của những lệnh trừng phạt trong tương lai.