Nước sông Mekong thấp kỷ lục, Thái Lan muốn Lào dừng thử đập thủy điện
Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan đề nghị Lào ngừng hoạt động thử nghiệm đập thủy điện Xayaburi vì mực nước sông Mekong thấp ở mức báo động.
Somkiat Prajumwong, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan, ngày 19/7 nói với hãng tin TNA (Thái Lan) cơ quan này đã gửi thư đề nghị chính phủ Lào ngưng thử nghiệm trên đập Xayaburi trong vài ngày. Ông Somkiat nói việc thử nghiệm sẽ làm tình hình tệ hơn, khiến mực nước càng hạ.
Các hoạt động của Trung Quốc ở đập Cảnh Hồng và lượng mưa sụt giảm là nguyên nhân gây ra đợt khủng hoảng lượng nước nghiêm trọng nhất ở lưu vực sông Mekong trong gần 30 năm, ông nói thêm.
Mực nước thấp đã gây lo ngại về hệ sinh thái và sinh kế của hàng triệu người trên dòng sông này.
Đập Xayaburi nằm cách huyện Xayaburi, tỉnh Xayaburi ở miền Bắc Lào khoảng 30 km về phía đông, được xây dựng kể từ năm 2012.
Ủy hội sông Mekong, cơ quan liên chính phủ quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong, ngày 18/7 cho biết phía Trung Quốc đã thông báo đập thủy điện Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam sẽ giảm lưu lượng xả từ 1.050-1.250 m3/s xuống còn 505-600 m3/s để “bảo trì lưới điện”.
Thông cáo của cơ quan này cũng nhắc đến lượng mưa giảm và thời tiết khô nóng hơn bình thường là những nguyên nhân khiến nước sông Mekong ở nhiều nơi xuống dưới mức thấp kỷ lục được ghi nhận năm 1992.
Lào đã bắt đầu đợt thử nghiệm từ ngày 15/7, kéo dài đến ngày 29/7.
Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan dự kiến mực nước sẽ được cải thiện trong 2-3 ngày tới khi các đập Trung Quốc xả thêm nước, theo ông Somkiat.
Trong khi đó, các chuyên gia môi trường ngày 19/7 cho biết mực nước thấp đang khiến cá chết và tăng nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt của thủy sinh trên toàn bộ lưu vực sông Mekong.
Họ cho biết sự suy giảm đa dạng sinh học ở lưu vực sông Mekong sẽ đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người.
“Mực nước thấp đang khiến cá chết vì chúng không thể vào các nhánh sông và đẻ trứng trong các rừng ngập nước, có nghĩa cả một thế hệ cá sẽ biến mất”, trang tin Eleven Myanmar dẫn lời Narit Art-harn, đại diện người dân tỉnh Bueng Kan đông bắc Thái Lan.
Niwat Roikaew, đứng đầu nhóm bảo vệ môi trường Rak Chiang Khong ở tỉnh Chiang Rai phía bắc Thái Lan, nói ông chuẩn bị gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok một thỉnh nguyện thư về mực nước sông Mekong và các tác động của đập thủy điện Trung Quốc đến người dân.
“Tôi muốn thảo luận một cách xây dựng, dựa trên các thông tin học thuật, với giới chức Trung Quốc, để giảm thiểu tác hại mà các đập thủy điện đang gây ra cho hệ sinh thái và con người ở lưu vực sông Mekong”, Niwat nói.
“Nếu Trung Quốc muốn làm cường quốc, họ phải tăng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trên toàn bộ các dự án của họ, nếu không các phản hồi tiêu cực từ các dự án gây hại sẽ ảnh hưởng tới uy tín toàn cầu của họ”.