Nuôi cá lồng ở bản Un

Tận dụng nguồn nước của lòng hồ sông Đà, từ năm 2012, người dân bản Un, xã Song Khủa (Vân Hồ) bắt đầu phát triển nghề nuôi cá lồng. Đến nay, nghề nuôi cá lồng tiếp tục được duy trì và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Người dân bản Un, xã Song Khủa (Vân Hồ) phát triển nuôi cá lồng.

Người dân bản Un, xã Song Khủa (Vân Hồ) phát triển nuôi cá lồng.

Đưa chúng tôi đi thăm những lồng cá dập dềnh trên mặt nước, ông Đinh Công Hùng, Trưởng bản Un chia sẻ: Trước đây, 173 hộ dân trong bản chủ yếu sống dựa vào cây sắn, cây ngô, vì vậy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Nghề nuôi cá lồng được các hộ trong bản biết đến từ khi Trạm Khuyến nông huyện Mộc Châu (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộc Châu) hỗ trợ nhân dân trong bản triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lồng. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ai cũng nhận thấy nuôi cá lồng không tốn nhiều công, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao mà lại cho hiệu quả kinh tế. Vậy là, tận dụng lợi thế của mặt nước lòng hồ sông Đà, một số hộ dân trong bản đã làm lồng để nuôi cá. Khởi đầu là 2 lồng cá, với thể tích 40 m³/lồng, đến nay, trong bản có 7 hộ đầu tư 20 lồng nuôi cá, thể tích 75 m³/lồng. Tiếp tục câu chuyện về nuôi cá lồng, ông Hùng khoe: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên ở bản nuôi cá lồng. Ngay vụ cá đầu tiên, vừa ăn, vừa bán cũng thu được 10 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, gia đình đã làm thêm 2 lồng nữa để nuôi cá.

Tiếp tục đến khu nuôi cá của gia đình anh Sa Văn Lợi, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc cá nuôi lồng. Anh Lợi kể: Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, cá nuôi đợt nào cũng phải trừ hao 50% vì cá chết. Năm 2018, tôi đầu tư thêm 3 lồng nuôi cá làm bằng sắt và chọn loại cá nhỡ khoảng 4-5 con/kg về thả, cá thích nghi nhanh và mau lớn, không bị chết. Mỗi lồng thả khoảng 40 kg cá giống, với giá 150 nghìn đồng/kg cá giống. Theo anh Lợi, nuôi cá lồng không khó, song trong quá trình nuôi cần theo dõi sát sự phát triển của cá trong từng ngày, nếu cá bị bệnh sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Do tận dụng được diện tích mặt nước hồ lớn, nuôi cá lồng còn chăm sóc, thu hoạch thuận tiện hơn cá nuôi ao. Cùng với đó, nguồn thức ăn cho cá là phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: Lá sắn, cỏ, lá chuối... dễ trồng, dễ kiếm, không phải đầu tư nhiều. Mỗi lồng cá sau 1 năm nuôi cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng.

Người dân bản Un, xã Song Khủa (Vân Hồ) chăm sóc cá lồng.

Người dân bản Un, xã Song Khủa (Vân Hồ) chăm sóc cá lồng.

Tìm hiểu được biết, người dân bản Un thiết kế lồng nuôi cá có diện tích 25 m², thể tích đạt 75 m³, khung lồng làm bằng sắt hộp mạ kẽm, phao nổi sử dụng thùng phuy nhựa, ở dưới bọc lưới dùng được 3-4 năm. Với mức chi phí làm lồng khoảng từ 8-10 triệu đồng/lồng, người dân ở đây chủ yếu nuôi cá trắm, cá chép vì loại cá này dễ nuôi và dễ tiêu thụ. Nuôi khoảng 10-12 tháng, cá trắm có trọng lượng trung bình từ 2,5-3 kg/con, cá chép khoảng 2 kg/con. Bên cạnh đó, nuôi cá lồng trên lòng hồ có tốc độ sinh trưởng nhanh, bởi nguồn nước sạch, hàm lượng ôxy cao, chất lượng thịt cá thơm, ngon. Với giá bán hiện nay trung bình là 80.000 đồng/kg cá trắm, 100.000 đồng/kg cá chép (thương lái đến mua tại lồng) đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các hộ nuôi cá của bản Un.

Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng ở đây vẫn còn nhiều vướng mắc, rủi ro, bị động về nguồn cá giống. Bởi các hộ dân bản Un đều tự liên hệ mua con giống qua các thương lái chở đến và chỉ biết giống cá này ở tỉnh Phú Thọ, chứ không biết địa chỉ cung cấp giống cá rõ ràng, không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ chết chiếm đến 30-40%; kích cỡ cá giống thường không đồng đều hoặc lẫn với một số loại cá khác nên xảy ra tình trạng cá lớn cắn cá bé, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cá. Thêm nữa, thị trường tiêu thụ không ổn định, bị tư thương ép giá đã tác động rất lớn đến thu nhập của người dân. Do đó, nhiều hộ còn do dự khi đầu tư vào nghề này.

Khai thác lợi thế từ vùng lòng hồ sông Đà, người dân bản Un đã tìm được hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi, bước đầu làm thay đổi đời sống của nhiều hộ dân trong xã. Song để nghề nuôi cá lồng ở bản Un trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Song Khủa, rất mong các cấp, các ngành quan tâm có thêm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; cung cấp địa chỉ cung ứng cá giống tin cậy và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho các hộ dân.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nuoi-ca-long-o-ban-un-26049