Nuôi con học đại học nhờ rau muống

'Cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng, sống làm thuê, làm mướn cũng đã trải qua nhiều gian nan, vất vả. Bù lại, con cháu mình được ăn học thành tài, có đổ bao nhiêu mồ hôi cũng xứng đáng'. Đó là lời chia sẻ của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hóa (69 tuổi) và bà Nguyễn Thanh Hồng (66 tuổi) ở ấp Xây Đá A, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) sống bằng việc trồng rau muống ven sông.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, cuộc sống khó khăn, vất vả, tham gia kháng chiến và bị thương trong lúc thực hiện nhiệm vụ, năm 1976, ông Hóa xin phục viên để có điều kiện chăm lo cho gia đình. Vốn dĩ đã nghèo, từ khi vợ chồng ông đến với nhau rồi lần lượt sinh 3 đứa con, chẳng nói cũng có thể hình dung cuộc sống của vợ chồng ông bà túng thiếu như thế nào. Quyết không đầu hàng hoàn cảnh, ông bà đã không ngại vất vả, làm lụng quanh năm suốt tháng. Nhờ tính cần cù, siêng năng, chịu khó mà đến nay vợ chồng ông bà đã có được vài công đất để trồng lúa.

Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hóa là rau muống.

Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hóa là rau muống.

Ông Hóa cho biết: “Lúc đến với nhau, vợ chồng tôi chẳng có gì hết. Cha mẹ hai bên đều khó khăn, không giúp được gì. Nhưng để lo cho các con của mình được ăn no, ngủ ấm thì có cực khổ đến đâu cũng chịu được”. Tiếp lời ông Hóa, bà Hồng chia sẻ: “Sau nhiều năm tằn tiện, tích góp, gia đình đã mua được đất để tự canh tác. Nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định. Các con ngày càng lớn, chi tiêu càng nhiều hơn. Nhất là chúng đến tuổi ăn, tuổi học phải lo biết bao nhiêu thứ…”.

Cũng theo bà Hồng, gia đình cũng có vài công đất trồng lúa. Ông bà đã lớn tuổi, phải thuê nhân công hết từ khâu làm đất cho đến thu hoạch. Do vậy, thu nhập từ trồng lúa không được bao nhiêu. Kể từ khi trồng rau muống ven sông, có đồng vô đồng ra mỗi ngày, kinh tế gia đình cũng đỡ và tích góp được số tiền gửi cho con cháu ăn học hàng tháng.

Nói về nguyên cớ chọn công việc này, ông Hóa cho biết: “Vợ tôi nấu bún riêu bán gần trường học, ngày nào cũng phải đi kiếm rau. Thấy vậy, tôi trồng một ít rau muống ven sông để khi cần là có, mà rau tự trồng an toàn hơn, nhất là nơi mình bán gần trường học nên phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh”.

Cũng theo ông Hóa, gia đình trồng rau muống đến nay cũng được 7 năm, ban đầu chủ yếu trồng để cho vợ bán bún. Về sau, nhiều phụ huynh đưa con đi học thấy rồi hỏi mua và nhiều tiểu thương bán rau ở chợ cũng tìm đến đặt mua mỗi ngày. Thấy vậy, ông quyết định mở rộng trồng rau muống thêm ở ven sông được khoảng 4 công. Hiện, mỗi ngày cắt bán cho mối khoảng 40 - 50kg/ngày, với giá 5.000 đồng/kg. Đến thời điểm gần tết, mỗi ngày ông bán được từ 100kg đến 200kg rau muống và có giá lên tới 8.000 đồng/kg.

“Bây giờ, nguồn thu nhập chính của gia đình là nhờ trồng rau muống. Nhờ nguồn thu nhập đó mà tôi mới lo được cho đứa con trai ăn học đã ra trường được 3 năm và tìm được việc làm ổn định, thằng cháu ngoại cũng chuẩn bị tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, đứa cháu gái thì năm nay vô lớp 11, còn đứa cháu ngoại nhỏ cũng đến tuổi tới trường. Cuộc sống được ổn định và có điều kiện để con cháu tiếp tục đi học cũng nhờ có “duyên” với việc trồng rau muống” - ông Hóa vui vẻ nói.

Ông Lê Quốc Nghị - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Thanh Hóa được xem là tấm gương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình để nuôi dạy con cháu ăn học thành tài. Ông Hóa cũng rất tích cực trong mọi phong trào, hoạt động của cựu chiến binh cũng như các phong trào do địa phương phát động. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phong trào cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới nói riêng tại địa phương”.

Tuyết Xuân

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/nuoi-con-hoc-dai-hoc-nho-rau-muong-29568.html