Nuôi lòng nhân ái

Ðọc bài 'Ươm mầm cảm hứng' trên Bình Thuận cuối tuần (số 6781), một số bạn đọc có trao đổi, rằng những học sinh thi đạt giải học sinh giỏi văn là nhờ vào công sức bồi dưỡng là của thầy cô ở trường, vì đó là văn nghị luận, chứ đâu phải chỉ trong mấy ngày dự trại - lại viết theo thể loại khác - sáng tác thơ văn, mà nêu thành tích!

Nuôi lòng nhân ái

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mọi sự thường hỗ tương

Bài viết của chúng tôi không phải lấy thành tích kiểu “theo đóm ăn tàn”, mà bàn về việc “phát hiện” để bồi dưỡng năng khiếu. Đã gọi năng khiếu thì điều đó thuộc về tiềm năng bẩm sinh – nếu được phát hiện để bồi dưỡng (tự thân bồi dưỡng hay tác động khách thể để bồi dưỡng) thì năng khiếu đó mới có điều kiện phát triển vượt trội để đạt được những thành tựu tốt đẹp trên đường đời. Nếu không phát hiện được hoặc không có biện pháp bồi dưỡng hợp lý thì năng khiếu ấy trở nên lu mờ rồi tắt lịm, đánh mất một tài năng, là điều đáng tiếc và có tội với tuổi trẻ. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng việc mở trại sáng tác để bồi dưỡng kích thích cảm hứng giúp học sinh tạo lập văn bản là những tác phẩm thơ, truyện, khác với thể loại văn nghị luận (phân tích, bình luận…) thầy cô dạy trong nhà trường để học sinh học làm bài lấy điểm. Tuy vậy, nó vẫn có sự tương tác cho nhau. Một học sinh biết viết một truyện ngắn, làm một bài thơ, dĩ nhiên, những học sinh đó biết cách xây dựng cốt truyện, tạo lập tình huống, chọn chi tiết, hình ảnh, từ ngữ, không gian và thời gian sự việc, bộc lộ tâm trạng nhân vật… thì điều đó rất thuận lợi để vận dụng soi chiếu vào những yêu cầu của đề để phân tích, bình luận, đánh giá, nhận xét nhân vật, nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

Điều chúng tôi đề cập trong bài viết trước là nhằm đến lợi ích trong việc kết hợp bồi dưỡng năng khiếu cho tuổi trẻ học đường. Đây là môi trường thông thoáng và thúc đẩy tích cực nhất nhưng không bị ràng buộc, để các em tự do lựa chọn đề tài, tự do biểu đạt, nhằm bộc lộ hết năng lực của mình trong quá trình tạo lập văn bản. Điều đó giúp ích rất nhiều hướng cho học sinh biết tự chủ, độc lập tư duy sáng tạo, để có tiếng nói của chính mình trong cách nhìn, cách nghĩ về những hiện tượng, sự việc, khơi gợi trí tưởng tượng, nhưng điều đặc biệt là giúp cho tâm hồn của các em phát triển phong phú, giàu cảm xúc thẩm mỹ trước cái thiện, cái ác, trước cái đẹp, cái xấu, biết vui biết buồn, biết yêu thương và căm ghét đúng nghĩa. Đọc tác phẩm của các em trong các đợt dự trại sáng tác, tôi nhận ra những nội dung mang giá trị đạo đức, tính nhân văn trong suy nghĩ, cảm xúc của người viết.

Việc tưởng nhỏ nhưng vô cùng lớn

Đọc truyện Ngoao của em Mai Hương – lớp 11, ở trại sáng tác năm 2019, tôi chợt nhớ hồi 1977 học đại học Sư phạm ở Huế, thầy giáo dạy văn học Nga nói, có một nhà thơ sinh ra để bộc lộ mọi giác quan cảm xúc về thiên nhiên trên quê hương đất nước Nga, nhưng trong mạch cảm xúc vô tận ấy lại xuất hiện cảm hứng về con chó mẹ, nói lên nỗi đau tình mẫu tử của loài vật, mang giá trị nhân đạo sâu sắc – đó là Sergei Esenin. Chó mẹ sinh ra được 7 con, ngày đêm âu yếm, bảo vệ. Nhưng rồi vào một tối tuyết lạnh, ông chủ bắt lấy chó con bỏ vào bao đem đi vứt. Chó mẹ cuống cuồng chạy tìm trong hào rãnh giá lạnh, nhưng không được. Nó tơi tả trở về, ngẩng nhìn vầng trăng trên mái rạ, tưởng như một chú chó con, nó tru lên, tiếng tru rơi vào bầu trời thẳm. Nước mắt vàng rực của nó như những giọt sao rơi trên tuyết. Đây là tác phẩm để nhiều người ca ngợi nét đẹp nhân văn trong lòng nhà thơ. Trong khi đó, tôi đọc Ngoao của Mai Hương – tác phẩm văn xuôi, miêu tả về con mèo, mà nhân vật tôi yêu quý: “Ngoao lúc đấy sẽ bên tôi, là bạn tôi, tôi có thể nói ra lòng mình mà không sợ bị chê cười, bị soi mói, chỉ trích. […] Ngoao đã bên tôi những ngày tháng ấy, nó đã biết bao nhiêu chuyện vui, chuyện buồn, chuyện xấu hổ của tôi, và có lẽ nó hiểu”. Nó cũng có bạn là Gấu, nhưng một hôm Gấu bị một kẻ rồ ga bắt trộm chạy mất, làm Ngoao buồn, lặng lẽ. Nhưng không lâu sau, Ngoao sinh được bốn con. Khi con đã lớn, Ngoao vẫn suốt ngày nằm trong ổ cho con bú, ngắm nhìn con và ngủ cùng với con. […] Nhìn chúng nó bên nhau như thế, tôi mơn man nghĩ, có mấy gia đình loài người nào có được cuộc sống vô lo nghĩ như gia đình mèo này không?”.

Kết thúc tác phẩm, đến một ngày, “mẹ tôi đem lũ mèo con đi cho người chủ mới, Ngoao bỏ ăn. Nó chạy khắp nhà, ngó vào từng ngóc ngách nhỏ, gầm giường, gầm tủ, mọi nơi trong nhà mà nó nghĩ con nó sẽ có ở đó. Mặt nó hoang mang, hoảng loạn. Nó kêu nghe đến não lòng”. Rồi nó bỏ nhà đi mất. “Hàng đêm nằm trằn trọc, tôi thổn thức nhớ nó, lòng cứ nhói đau từng hồi. Tôi nhận ra, mình vừa mất đi một điều vô cùng có ý nghĩa trong cuộc sống thường nhật nhàm chán của mình. Mưa. Căn bếp lạnh. Lòng lạnh. Văng vẳng đâu có có tiếng mèo con kêu…”.

Cứ thử so sánh với nhà thơ nổi tiếng thế giới kia, cô học trò lớp 11 cầm bút viết Ngoao cũng thấm đẫm tình nhân ái. Những tâm hồn như thế không hề vô cảm, cần được nâng niu, lớn lên sẽ đem bao nét đẹp về lòng nhân, tính thiện vào đời.

Võ Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/nuoi-long-nhan-ai-136925.html