Nuôi vịt biển, một hướng tạo sinh kế cho ngư dân

Ngư dân các xã vùng ven biển vốn chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ đánh bắt hải sản. Ở các vùng biển bãi ngang phần lớn khai thác ven bờ nhưng nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt là từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, tình hình sản xuất của người dân vùng bãi ngang khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế cho ngư dân bên cạnh việc tiếp tục phát triển nghề khai thác hải sản trên biển. Nhờ vậy, nghề chăn nuôi bắt đầu phát triển trên vùng cát ven biển với nhiều loại con nuôi truyền thống và du nhập con mới thích nghi dần môi trường và cho hiệu quả kinh tế khá, trong đó vịt biển là mô hình con nuôi mới có triển vọng nhân rộng.

 Hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt biển ở Triệu Phong

Hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt biển ở Triệu Phong

Mô hình “Nuôi vịt biển theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường” được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị lựa chọn làm thí điểm trình diễn tại các xã ven biển huyện Triệu Phong là Triệu Độ, Triệu An, Triệu Lăng đang tỏ ra khá thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, phương pháp chăn nuôi của người dân vùng biển và cho hiệu quả kinh tế cao. Được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 70% tiền giống và thức ăn hỗn hợp, chuyển giao tập huấn kĩ thuật, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi, 11 mô hình của 3 xã nuôi 3.300 con giống vịt biển 15 Đại Xuyên phát triển tốt, tăng trọng nhanh.

Hộ gia đình anh Trương Đình Đoàn ở thôn Giáo Liêm, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong là 1 trong 4 hộ ở xã được chọn tham gia mô hình. Được hỗ trợ 300 con giống, anh Đoàn tuân thủ tốt mọi hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt của anh lớn nhanh, chỉ sau 75 ngày nuôi, trọng lượng vịt hơi bình quân đạt hơn 2,5 kg/con, có con đạt 3 kg. Khi vịt đạt tầm trọng lượng này, anh Đoàn quyết định xuất bán với giá 120- 150 ngàn đồng/con. Như vậy, chỉ sau 2,5 tháng nuôi, anh Đoàn thu về hơn 3,5 triệu đồng từ tiền nuôi thử 300 con vịt biển 15 Đại Xuyên. Nếu hoạch toán chi phí cho thức ăn và con giống thì anh Đoàn lãi khoảng 40%. Đây là một tỉ lệ lãi không nhỏ đối với chăn nuôi. Khả năng chăn nuôi của gia đình anh Đoàn có thể tăng đàn lên gấp 7- 10 lần/lứa so với nuôi thí điểm. Anh Đoàn cho biết: “Vịt biển 15 Đại Xuyên thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu của Quảng Trị. Giá bán cũng tốt, nhiều người ưa chuộng vì sản phẩm vịt sạch. Gia đình tôi có thể mở rộng quy mô để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập”.

Thực tế triển khai các mô hình cho thấy, mặc dù vịt biển 15 Đại Xuyên là giống vịt miền Bắc nhưng lại có khả năng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên ở vùng Quảng Trị nắng nóng nhiều, vịt dễ nuôi và có thể nuôi với nhiều phương thức khác nhau, sử dụng được nước biển làm nước uống. Vịt biển có khả năng tìm kiếm thức ăn tốt hơn so với các giống vịt đang nuôi tại địa phương, có thể tìm kiếm được thức ăn trên các ao hồ, cửa sông, cửa lạch, đồng ruộng. Vịt có sức sống dẻo dai, ít bị dịch bệnh, tỉ lệ sống đến lúc trưởng thành đạt khoảng 97%. Vịt biển khá tạp ăn nên tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, thịt dày, được người tiêu dùng ưa thích. Hiện nay, trong điều kiện nhiều địa phương trong tỉnh đang bị dịch tả lợn Châu Phi kéo dài, nhiều người tiêu dùng còn thận trọng ít sử dụng thịt lợn nên thịt gia cầm là nguồn thịt thay thế có hiệu quả nhất trong các bữa ăn của nhiều gia đình. Do đó, giá vịt cũng tăng đáng kể, hiện giá vịt khoảng 50.000 kg/kg thịt hơi.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi vịt biển 15 Đại Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Vịt biển thích nghi với nhiều điều kiện tự nhiên, nhất là vùng ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung tâm sẽ tăng cường hướng dẫn cho ngư dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường cũng như tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đây là con nuôi mới có thể nhân rộng được ở vùng biển để tạo sinh kế bền vững cho ngư dân”.

Vịt biển đã khẳng định được tính thích nghi điều kiện tự nhiên và tập quán chăn nuôi của người dân vùng ven biển Quảng Trị, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do đây là con nuôi mới nên việc cung cấp con giống cho người chăn nuôi hiện đang gặp khó khăn vì phải mua từ miền Bắc vào. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt biển thịt, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi vịt biển sinh sản. Trung tâm vừa chuyển giao kĩ thuật nuôi vịt biển sinh sản, vừa hướng dẫn kĩ thuật ấp trứng vịt biển để sản xuất giống vịt biển tại chỗ, tạo sự chủ động cung ứng nhu cầu giống cho người chăn nuôi trên địa bàn và giảm giá vịt giống, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi vịt biển.

Mô hình chăn nuôi vịt biển triển khai thí điểm có hiệu quả cao ở các xã vùng biển mở ra một hướng sản xuất mới, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân sống ven biển, ven sông hồ, tạo ra sự đa dạng vật nuôi trên địa bàn. Thời gian tới, cần nhân rộng mô hình này, trước mắt có thể thay thế tạm thời việc chăn nuôi lợn ở các vùng có dịch tả lợn Châu Phi để tạo giá trị gia tăng tốt cho ngành nuôi của tỉnh.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143077