Ồ ạt rút BHXH một lần: Có nên khống chế tuổi nghỉ hưu?

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, Ban soạn thảo nên tới các nhà máy, công ty, khu công nghiệp để nghe phản ánh trực tiếp của người lao động, từ đó thiết kế chính sách BHXH cho phù hợp.

Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã mở diễn đàn "Ồ ạt rút BHXH một lần" phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, số năm đóng, tỉ lệ hưởng cũng như cách tính lương hưu.

Gởi ý kiến đến diễn đàn, nhiều bạn đọc đồng thuận với cách đặt vấn đề của chúng tôi và mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) nên lắng nghe bức xúc của NLĐ, từ đó nghiên cứu, sửa đổi bổ sung phù hợp. Bạn đọc Nguyễn Văn Trực bày tỏ: "Xin thưa với những người soạn thảo luật BHXH sửa đổi nếu các vị không giảm tuổi nghỉ hưu, không giảm số năm đóng để được hưởng mức tối đa hiện nay là 75%, không bình đẳng giữa các đối tượng tham gia, tính lương hưu bình quân của tổng thời gian đối với NLĐ ngoài khu vực nhà nước... và nhiều bất cập khác thì các vị có giảm thời gian đóng xuống 5 năm thì NLĐ chúng tôi cũng rút BHXH một lần chứ đừng nói là 15 năm, tiến tới 10 năm Càng rút ngắn thời gian đóng để hưởng lương hưu thì càng có nhiều NLĐ rút một lần".

Cùng góc nhìn, bạn đọc Võ Tuấn Hải, tỏ thái độ bức xúc: "Mỗi lần sửa luật BHXH là một lần NLĐ bất an, lần này cũng không ngoại lệ. Theo phát biểu của lãnh đạo LĐ-TB-XH thì dựa trên tiêu chí giảm năm đóng để tạo điều kiện cho những người tham gia chưa đủ năm được hưởng chính sách lương hưu, nhưng thực chất là hạn chế quyền rút BHXH 1 lần của NLĐ. Thử hỏi có ai 45 -47 tuổi mới đi làm và tham gia BHXH không? Còn những ai bị sa thải khi làm được 10 - 15 năm thì họ lấy gì sống để chờ tuổi hưu. Lãnh đạo LĐ-TB- XH tuyên truyền rằng rút 1 lần thì rất thiệt thòi, vì rút được rất ít so với đóng vào, nhưng lại lo vỡ quỹ vì NLĐ rút 1 lần nhiều, sao mâu thuẫn quá vậy. Trước đây cũng vì sửa luật không cho rút 1 lần mà NLĐ các KCN đã đình công".

Bạn đọc Bình An đề xuất: "Nên trả lai tuổi nghỉ hưu như trước đây, nam 60, nữ 55. Trong trường hợp các vị nào đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn thích làm tiếp thì BHXH sẽ xem xét tình trạng sức khỏe, trình độ, công việc nếu phù hợp sẽ giải quyết cho tiếp tục làm việc. Ngoài ra, việc trả lại tuổi nghỉ hưu như trước đây chủ yếu là lấy lại sự an tâm, ổn định cho xã hội, khi xã hội phát triển giàu có hơn, BHXH cần nghĩ tới việc từng bước giảm thêm tuổi nghỉ hưu cho dân có nhiều thời gian hưởng thụ cuộc sống hơn sau mấy chục năm làm việc cóng hiến cho xã hội". Ở một góc nhìn rộng hơn, bạn đọc Mai Anh chia sẻ: "Thiết nghĩ nên bỏ cụm từ "lương hưu" mà thay vào đó là "hưởng trợ cấp" hay "hưởng BXH" vì tiền người lao động và doanh nghiệp đóng vào Quỹ Bảo hiểm thì NLĐ phải được nhận khi đã đóng đủ năm hay rút 1 lần thì trừ %, không thể gắn tuổi làm việc và tuổi được nhận sổ hưu vì nhiều người dưới 50 họ đã đóng 30 năm BHXH. BHXH không coi đây là tiền "gửi" của NLĐ thì tại sao quy định BHXH là bắt buộc và doanh nghiệp nào đóng trễ hay nợ thì "bị phạt". Xin hỏi phạt cái gì khi tiền NLĐ đóng vào thì "kỳ kèo bớt xén" trong khi tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng?".

Bạn đọc Trường Sơn đề xuất: "Cứ đóng đủ 25 năm trở nên là được nghỉ, ai chưa muốn nghỉ thì đóng tiếp đóng càng nhiều thì hưởng càng cao, việc gì mà phải quy định tuổi. Đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB-XH tới các nhà máy, khu công nghiệp nghe phản ánh trực tiếp của người lao động. Làm chính sách thì phải an dân, phải được dân ủng hộ thì mới bền mới đi vào cuộc sống". Một bạn đọc giấu tên thậm chí còn quả quyết: "Chắc chắn từ sau 2028 trở đi, đa số người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm tối đa 75% theo chế độ, vì họ không đủ sức khỏe để làm việc đến độ tuổi đó, nhất là công nhân, giáo viên, nhân viên hành chính, sự nghiệp".

Một bạn đọc giấu tên khác đề nghị không khống chế tuổi nghỉ hưu mà hãy để NLĐ tự quyết định. Đã đóng hưởng thì đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Đóng đủ trần 75 % thì không đóng nữa, người lao động tự quyết tuổi hưu của mình, nhà nước chỉ quyết tuổi tối đa nghỉ hưu". Bạn đọc Ngô Nhuận đặt câu hỏi: "Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023". Không biết đến bao giờ NLĐ mới được biết đến 11 nhóm này? Thiết nghĩ cơ quan soạn thảo nên công khai 11 nhóm này và Dự thảo Luật BHXH để người dân được biết và tham gia góp ý; tổng hợp các ý kiến, đề xuất để hoàn thiện Dự thảo Luật. Cá nhân tôi vẫn thấy rằng: khi NLĐ đã đóng BHXH đủ năm bắt buộc (ví dụ: 20 năm) thì được lĩnh lương hưu theo tỷ lệ nhà nước quy định. Ai có đủ sức khỏe muốn làm việc tiếp thì tiếp tục làm việc và đóng BHXH. Đóng bao nhiêu năm thì hưởng bấy nhiêu năm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. 55 hay 60 tuổi chỉ là số tuổi quy định hết tuổi lao động để được nghỉ ngơi chứ không nên quy định đó là tuổi được lĩnh lương hưu. Thực tế cũng có rất nhiều người 70 tuổi vẫn đang làm việc, chỉ là họ không đóng BHXH thôi.

Theo một ạn đọc tên Tường, Bộ LĐ-TB-XH nên có những số liệu phân tích kỹ hơn về quỹ BHXH như chi cho quản lý quỹ là bao nhiêu %, khối lao động nhà nước đóng vào quỹ BHXH bao nhiêu và hưởng từ quỹ này bao nhiêu, tương tự khối tư nhân đóng hưởng bao nhiêu, mức lương hưu giữa 2 khối này, tuổi thọ bình quân của 2 khối lao động này ... có như vậy mới đưa ra được những chính sách hợp lý hơn và tương đối công bằng hơn cho tất cả NLĐ tham gia BHXH, tránh lấy lý do nguy cơ vỡ quỹ mà có những điều chỉnh không được hợp lý". Theo bạn đọc Trương Thạch Anh, nếu Bộ LĐ-TB-XH thấy khó quá thì chia tuổi nghỉ hưu ra làm 3 loại: 1. Cán bộ CNVC Nhà nước, 2. Người lao động trong các doanh nghiệp, 3. Người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại. Cào bằng như hiện tại thì chỉ có thiệt cho người lao động thôi.

Đóng sớm, dư năm không được nhận sổ vì chưa đến tuổi

Theo bạn đọc Mai Anh, BHXH đang đề ra chính sách tự mẫu thuẫn với mục tiêu "an sinh cho người mất việc" và áp đặt lối tư duy rất vô lý: đóng sớm, dư năm không được nhận sổ vì chưa đến tuổi; đóng trễ sau 45 tuổi và chỉ cần 15 năm, đủ tuổi được nhận sổ và hưởng suốt đời. Đây là nghịch lý bởi nguyên tắc mà chúng ta hay rao: làm nhiều, hưởng nhiều; làm ít, hưởng ít; không làm, không hưởng. Vì sao "làm nhiều, đóng sớm, kiệt sức, đau ốm, mất việc vì cao tuổi hay suy giảm khả năng lao động: bị trừ %. Tiền NLĐ đóng vào sinh sôi nảy nở chứ sao bị teo tóp (hưởng tối đa 75%)". Bạn đọc Minh Trần hài hước: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động phải quy định giống như thời gian bảo hành xe ô tô. Số năm đóng bảo hiểm hoặc tuổi đời đủ thì được nghỉ hưu. Chứ tại sao chọn tuổi đời trong khi người đó làm việc quá lâu, kiệt sức mà vẫn không được nghỉ".

An Chi Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/o-at-rut-bhxh-mot-lan-co-nen-khong-che-tuoi-nghi-huu-20220702225409315.htm